Trang chủ > Phóng sự > CHỢ GIÀY BÌNH DÂN CUỐI NĂM

CHỢ GIÀY BÌNH DÂN CUỐI NĂM

Bài đã đăng báo Người Việt

Giày dép bán trên vỉa hè đường Mậu Thân (Cần Thơ)

Sau trái cây Trung Quốc, rau củ quả Trung Quốc, thực phẩm khô đóng gói Trung Quốc, bánh tây Trung Quốc, gia vị Trung Quốc, hàng điện máy Trung Quốc, điện thoại Trung Quốc, xe máy Trung Quốc, vải Trung Quốc, quần áo may sẳn Trung Quốc, đồ nhà bếp Trung Quốc, trang sức Trung Quốc, kem đánh răng Trung Quốc, bàn chải răng Trung Quốc, mỹ phẩm Trung Quốc, văn phòng phẩm Trung Quốc, mùng mền chiếu gối Trung Quốc, đồ chơi trẻ em Trung Quốc, vàng mả Trung Quốc,… và giờ đây Sài Gòn tràn ngập giày Trung Quốc. Không chừng vài năm nữa, người Việt Nam (trừ cái xác) từ đầu đến chân đều dán nhãn “Made in China” hết trọi.

Những ngày gần tết Nguyên đán, cùng với việc mua sắm quần áo mới thì người Sài Gòn cũng “tân trang” cho mình ít nhất là một đôi giày mới để “ăn cánh” với bộ quần áo mới.

Lâu nay, hàng chợ bị mang tiếng là “đồ dỏm”, “thợ mả dán hồ”, mau hư nên giày dép bán ở các chợ ít mgười chịu ghé mua, trừ mấy gian hàng bán guốc gỗ đủ kiểu. Những ngày cuối năm, các gian hàng bán quần áo may sẳn ở chợ Tân Định nhộn nhịp khách hàng nhưng gian hàng giày dép vẫn vắng khách, người đi chợ thường đi lướt qua ngang dãy bán giày dép để đi cho lẹ, cho khỏi mất công chen chúc mà thờ ơ với lời chào mời của bà chủ gian hàng. Để ý xem, thấy tất cả hàng trưng bày đều là giày Trung Quốc với đặc điểm phần đế đúc bằng nhựa dẻo cứng hơi trong trong màu nâu vàng với giày gót thấp, đế nhựa đen nhẹ với giày cao gót. Phần quai trên luôn làm kiểu dáng cầu kỳ, nhiều màu sặc sỡ, gắn thêm bông hoa, dây kéo phía trên, nhưng có điểm chung là may bằng simili (giả da) trong lót thêm một lớp cao su mỏng. Loại này đi nhiều một chút là quai đứt ngay vì nó thiếu độ dai, dẻo của da thiệt, không  kể đến keo dán giày chưa biết chất lượng thế nào. Nhìn bên ngoài, hàng giả da của Trung Quốc làm rất tinh xảo, khó phân biệt giữa da thiệt và da giả, nhưng ngửi thì có mùi cao su bốc lên.

Bên ngoài, những con đường quanh chợ người ta thuê một chổ trống trên vỉa hè để trải tấm vải nhựa bán giày dép đổ đống đều là giày Trung Quốc. Giá bán trong chợ, ngoài chợ đều như nhau. Giày nữ đế thấp 2cm cũng 75 ngàn đồng/đôi, đế cao 5 cm giá 150 ngàn đồng/đôi. Đế cao hơn, kiểu cầu kỳ hơn trên 200 ngàn/đôi. Tuy nhiên, người đi chợ lật tới lật lui xem nhiều hơn là mua.

Phố giày đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, quận 5) chủ yếu bán giày nhập ngoại, không phải là nơi người có thu nhập thấp ghé vào. Tuy nhiên, tiệm giày Hồng Anh sản xuất và bán tại chổ đông khách vào mua hàng. Giày trưng bày có ghi bảng giá và xuất xứ của tiệm hoặc giày nhập. Giày tiệm tự sản xuất làm bằng da thiệt, nhưng kiểu dáng không mới, quanh đi quẩn lại chỉ có vài kiểu từ những năm trước được làm đi làm lại. Mốt giày nữ năm nay là giày cao gót quai bằng da may kèm vải thun màu kem sậm, quai mảnh nhiều sợi, săng-đan nhưng có miếng da bít gót chân, gắn dây kéo phía sau gót hoặc phía trước bàn chân. Giá một đôi giày nữ đi được, gót cao 5 cm giá từ 150 ngàn-300 ngàn đồng, gót giày càng cao thì giá bán càng cao theo. Giày nam bình quân 250 ngàn đồng/đôi.

Phố giày Lý Chính Thắng (quận 3) hơn 20 tiệm, shop bán giày dép đủ loại, chủ yếu là hàng Trung Quốc nhưng chủ tiệm không để bảng giá và xuất xứ hàng hóa. Bước vào những tiệm giày ở đây, mùi nhựa, mùi cao su bốc lên nồng nặc (đặc điểm của giày dép Trung Quốc). Tất nhiên, bên trong các kệ trưng bày toàn hàng Trung Quốc. Có loại in chữ Trung Quốc trên mặt hàng, có loại nháy các thương hiệu nổi tiếng của Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Chủ tiệm “hét” là giày Đài Loan, giày Thái hay Trung Quốc tùy mặt khách mua biết phân biệt hay không. Một tiệm giày ở đây cứ giày có chữ tượng hình vuông vuông là “hét” giày Đài Loan. Giá đôi giày bata trẻ em (khoảng 10 tuổi) cô chủ nói là giày Đài Loan giá 165 ngàn đồng. Tôi xem kỹ dưới đế giày thấy in chữ Hoa giản thể, trời ạ, người Đài Loan họ dùng chữ phồn thể không hà, không kể chữ Thượng Hải sờ sờ kia thì Đài Loan cái nỗi gì. Đôi giày Việt Nam giống y như vầy chỉ đáng 60 ngàn đồng thôi.

Buổi tối, phố giày Lý Chính Thắng tấp nập khách mua, nhiều nhất là các cô gái trẻ mười tám, đôi mươi. Tôi nói với một cô bé đang chọn đôi giày quai nhiều dây da đen, gót cao và có dây kéo phía sau: “Giày Trung Quốc đó, đi không bền đâu”. Cô cười: “Ở đây làm gì có giày khác, đồ Trung Quốc không hà, xài vài tháng là bỏ, nhưng mà kiểu nó đẹp hơn giày Việt Nam, giá cũng không mắc lắm. Cháu mua mang đi chơi Tết, mình ra đường chủ yếu là ngồi xe chớ có đi bộ nhiều đâu mà sợ”.

Phố giày đường Pasteur (quận 3) có khoảng chục tiệm bán giày của nơi khác đem đến, chủ tiệm cũng đã trưng bày lên kệ hàng một số giày Trung Quốc. Giá bán không cao lắm, từ 180 ngàn – hơn 300 ngàn/đôi loại kiểu dáng châu Âu sản xuất tại Việt Nam. Mẫu mã đơn điệu, hàng có vẻ như cũ, nước da bàng bạc xuống màu. Duy nhất tiệm Ngọc Hiền bán giày tự đóng bằng da thiệt thì mẫu mã giày có phần thô, ít kiểu đẹp, màu sắc thật đơn giản: đen, trắng, nâu vàng. Giá bán vừa túi tiền người bình dân, từ 180 ngàn đến 350 ngàn/đôi giày săng-đan nữ. Giày nam từ 250 đến 350 ngàn/đôi. Bà chủ tiệm tự hào giải thích với tôi: “Giày ở đây chị đóng toàn da thiệt, đảm bảo đi bền, lâu hư, không thanh nhưng cứng chắc, vững chải. Nhân viên văn phòng, công chức nhà nước đều mua giày của chị. Đóng giày kiểu gót nhỏ thanh thì nhìn đẹp nhưng không bền, gót cao không vững, khó đi lắm. Em mua giày của chị đi một lần là vừa ý liền”. Quả thật, nhìn hàng hóa của chị có vẻ “nồi đồng cối đá” lắm. Hỏi chị sao không bán thêm giày Trung Quốc như mấy tiệm khác, chị nói: “Gia đình chị đóng giày truyền nghề mấy đời rồi, bán giày Trung Quốc mất uy tín của tiệm hết”.

Với giày bata, giày thể thao trong nước sản xuất, muốn tìm mua hàng của Asia hay Biti’s rất khó, người mua phải đi tìm vài cửa hàng đại lý của các công ty này trong tình trạng mệt mõi vì kẹt xe, khói xe, bụi bặm mà không biết “đại lý nhà ta” ở chổ nào. Giữa bao la biển giày thể thao Trung Quốc in bông hoa, đường diềm trang trí màu sắc xanh đỏ tím vàng rực rỡ thu hút mắt nhìn, cứ bước ra đường, cứ vào hiệu giày là đụng giày thể thao Trung Quốc, khiến người dùng có tâm lý: “Cũng bằng giá tiền, đi kiếm mệt quá, thôi thì mua đại giày Trung Quốc cho xong”.

Giày Việt Nam sản xuất của những cơ sở nhỏ không danh tiếng kiểu có phần xấu hơn giày Trung Quốc, chủ yếu có 4 màu: đen, trắng, kem, vàng nâu, nhìn thấy có vẻ kém bền hơn với đế cao su xốp và gỗ bọc simili bên ngoài. Hiệu giày dép da Long Thành nổi tiếng mấy chục năm nay ở miền Nam có 2 cửa hàng ở tít tắp quận 10, quận 6 (đường Hậu Giang), người tiêu dùng ở quận khác muốn mua giày Long Thành phải vượt cả chục cây số đường (trong tình trạng kẹt xe), có tiền mua sắm mà khổ quá chừng. Hàng Long Thành nổi tiếng bền, êm chân, với nam thì không có gì đáng nói vì mẫu mã dành cho quý ông lâu nay vẫn có bao nhiêu kiểu đó “xào đi nấu lại”, với quý bà quý cô thì hiệu Long Thành không phải là thương hiệu cung cấp những đôi giày thanh lịch, hợp mốt. Giá bán giày Long Thành cao gấp 2-3 lần “hàng chợ” nhưng rẻ hơn từ 2-10 lần nếu so với giày nhập từ Đài Loan, Hồng Công, Singapore, Mỹ hay châu Âu, nên cũng có thể xếp giày Long Thành vào loại phục vụ khách bình dân. Năm nay, không thấy bất cứ đôi giày Long Thành nào được trưng bày trong các tiệm, shop giày dép khác ở Sài Gòn.

Sau trái cây Trung Quốc, rau củ quả Trung Quốc, thực phẩm khô đóng gói Trung Quốc, bánh tây Trung Quốc, gia vị Trung Quốc, hàng điện máy Trung Quốc, điện thoại Trung Quốc, xe máy Trung Quốc, vải Trung Quốc, quần áo may sẳn Trung Quốc, đồ nhà bếp Trung Quốc, trang sức Trung Quốc, kem đánh răng Trung Quốc, bàn chải răng Trung Quốc, mỹ phẩm Trung Quốc, văn phòng phẩm Trung Quốc, mùng mền chiếu gối Trung Quốc, đồ chơi trẻ em Trung Quốc, vàng mả Trung Quốc,… và giờ đây Sài Gòn tràn ngập giày Trung Quốc. Không chừng vài năm nữa, người Việt Nam (trừ cái xác) từ đầu đến chân đều dán nhãn “Made in China” hết trọi.

Tạ Phong Tần

 

Chuyên mục:Phóng sự
  1. 03/06/2014 lúc 11:08:chiều

    Greetings! I know this is kinda off topic nevertheless I’d
    figured I’d ask. Would you be interested in trading
    links or maybe guest writing a blog post or vice-versa?
    My site addresses a lot of the same topics as yours and I think we could
    greatly benefit from each other. If you’re interested feel free to shoot me
    an e-mail. I look forward to hearing from you! Awesome blog by the way!

  1. 14/10/2014 lúc 5:24:chiều
  2. 24/04/2020 lúc 10:43:sáng

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: