Trang chủ > Chuyện vỉa hè > TRUNG THU VẠN TUẾ

TRUNG THU VẠN TUẾ

Bài đã đăng báo Người Việt

Bánh Trung Thu Ðồng Khánh ở Sài Gòn. (Hình: DiaDiemVang.net)

Trung Thu thì năm nào cũng có, Trung Thu đều đến với mọi nhà giàu sang lẫn nghèo khó. Còn đám ma, đám cưới, đám thôi nôi, đám đầy tháng nhà sếp thì không phải năm nào cũng có. Có lần, tôi đi theo một vị lãnh đạo Công Ðoàn cơ quan tôi đi thăm… con rể sếp bị bệnh mà cảm thấy mình dị hợm, mặt dày quá chừng, dù tôi chỉ đi theo để ngồi im và nghe lãnh đạo Công Ðoàn “thăm hỏi.” Nó dị hợm ở chỗ con gái và con rể sếp chỉ là dân kinh doanh bình thường ngoài xã hội, chớ nào phải cán bộ, nhân viên gì trong cơ quan mình đâu, mà quan hệ con rể với cán bộ cơ quan (theo quy định) thì đại bác bắn không tới, không thuộc đối tượng Công Ðoàn phải thăm hỏi như là: ông bà, cha mẹ (ruột, bên vợ bên chồng), vợ chồng, con, anh chị em ruột của cán bộ, nhân viên.

Vì vậy, Trung Thu là một dịp để người ta “thể hiện tấm lòng” với cấp trên như một kiểu “đóng hụi chết” công khai mà không bị mang tiếng là hối lộ hoặc tham nhũng, cũng là một dịp để có tiền bỏ túi riêng một cách “hiên ngang,” “công khai minh bạch,” không sợ “đứa nào” nói ra nói vào. Ô hô! Trung Thu vạn tuế, vạn vạn tuế!

Mới đầu tháng 7 âm lịch mà Sài Gòn đã vào mùa kinh doanh bánh Trung Thu. Trên tất cả những con đường lớn trung tâm thành phố đã mọc lên những dãy ki-ốt lưu động màu sắc trang trí đỏ chót dựng trên vỉa hè từng dãy dài.Chưa đến cận ngày Trung Thu nên phần lớn người bán nhiều hơn người mua.

Lâu nay, Trung Thu và bánh Trung Thu không còn là dịp để cho trẻ con vui chơi rước đèn, ăn bánh, đón trăng mà là dịp để người lớn “hiếu hỉ” lẫn nhau. Chuyện bánh Trung Thu cao cấp hộp bánh mở ra trở thành bàn cờ tướng và những quân cờ ngà trắng bóng, sừng đen huyền… kèm chai rượu Tây, mỗi hộp chục triệu trở lên dùng biếu sếp, ngoài nhân bào ngư, vi cá, yến sào, gà quay… còn có “nhân” vàng miếng, kim cương, đá quý đã không còn là lạ nữa.

Người quen của tôi có bà con làm quan chức cỡ bự nên hàng năm cứ đến mùa Trung Thu là bà con ở quê (trong đó có người quen của tôi) được “hưởng xái” mỗi hộ gia đình một hộp bánh Trung Thu cao cấp, mà lại do chính “quan bà” đích thân cùng tài xế đánh xe con chở bánh về tận quê phân phát cho bà con, thế mới oai. “Quan bà” nói rằng bánh này người ta biếu “quan ông” năm nào cũng vài trăm hộp, nhà ăn không hết phải đem biếu bớt. Tôi cũng được mục kích một lần hộp bánh này, hộp đã được khui ra trước bay mùi bánh thơm phức, mở ra thấy trong hộp có 4 cái bánh Trung Thu nướng hình vuông, mỗi cạnh chiếc bánh hơn 1 tấc. Không nói ra thì ai cũng biết hộp bánh được “quan bà” mở ra trước để “khám điền thổ,” có “nhân lạ” trong đó thì “quan bà” đã “nghiệm thu” hết rồi. Chủ nhà cắt 1 góc bánh mời tôi “ăn cho biết,” nhân bánh có trứng vịt muối, gà quay, hạnh nhân, hạt sen, thịt quay, vi cá… nhưng thú thật là tôi phải cố gắng lắm mới khỏi phải nôn ra tại chỗ. Nhân bánh toàn đồ mặn loại để nhậu mà ăn chung với da bánh ngọt thì mùi vị nó chỏi nhau quá cỡ, nuốt không trôi, nhưng phải cố nuốt để giữ thể diện cho chủ nhà. Tôi bắt đầu hiểu ra rằng cái gọi là “bánh Trung Thu cao cấp” chỉ là tọng tất cả các thứ thường được gọi là “cao lương mỹ vị” sang trọng vào làm nhân bánh để khi rao lên quảng cáo cái bánh thêm phần “long trọng đại” rồi bán với giá trên mây chớ ăn vào chẳng thấy ngon lành gì, chỉ còn thiếu tuyết sâm ngàn năm là người ta chưa tọng vào làm nhân bánh mà thôi.

Các loại bánh nói trên người ta không dám biếu công khai và người nhận cũng không dám ăn công khai, nói chung đây là dịp để lo lót, hối lộ, nịnh nọt cấp trên. Tiền mua bánh là tiền túi của người mua, dù trước đó người mua kiếm tiền bằng những biện pháp bất minh hay không thì hạ hồi phân giải, nhưng chắc chắn không phải từ nguồn “cấu véo” tiền ngân sách hay tập thể.

Một cửa hàng bán bánh Trung Thu hạng sang trọng ở Hà Nội. (Hình: Hoang Ðinh Nam/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, cũng có những người nhờ dịp Trung Thu mà mỗi năm “đến hẹn lại lên” ăn công khai vào tiền ngân sách, quỹ tập thể mà không ai dám phê phán, cũng không ai làm gì được.

Năm nào cũng vậy, từ đầu mùa bánh Trung thu, các công ty đã quảng cáo ầm ĩ mua bánh số lượng lớn được hưởng chiết khấu từ 10 đến 25%, thương hiệu Kinh Ðô có chiết khấu từ 10% đến 27%. Hóa đơn từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng được chiết khấu 15%-22%. Ðó là đối với bánh của các công ty, thương hiệu danh tiếng, họ cần giữ chất lượng sản phẩm sao cho “coi được” xứng với thương hiệu. Bánh của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, bánh gia công mức chiết khấu cho người mua có thể lên đến 35%. Người bán còn công khai rao hàng nhắm vào đối tượng mua là cán bộ cơ quan, doanh nghiệp: “Bánh được chiết khấu cao lên tới 28%. Ðặc biệt có ưu đãi đặc biệt với khối cơ quan doanh nghiệp, ngoài chiết khấu cao, sẽ giao hàng tận nơi, có hợp đồng mua bán, xuất hóa đơn đầy đủ.”

Lãnh đạo Công Ðoàn cơ quan tôi ngày trước, cứ đến các dịp Trung Thu, lễ lạt này nọ đều tranh phần đi mua bánh trái, quà tặng cho cán bộ trong cơ quan. Mỗi cán bộ, nhân viên nhận được 1 suất quà bình quân trị giá 200 ngàn đến 300 ngàn đồng, thường có 2 bánh Trung Thu nho nhỏ, 2 bánh dẻo, nước ngọt loại 1.5 lít/chai (rẻ tiền). Bánh trái trong suất quà nói chung là “ăn được” (ăn vào không chết, không bị “Tào Tháo dí”) nhưng không thể gọi là ngon được, vì thành phần chủ yếu của nó gồm bột nướng (bao quanh), nhân đậu xanh hay khoai môn và một nửa cái lòng đỏ trứng vịt muối. Bánh dẻo đơn thuần là bột nếp trộn đường, mè nhồi cho dẻo, đóng khuôn, hấp chín.

Chất lượng dở như vậy, dĩ nhiên, ai cũng biết vì người bán đã cộng phần chiết khấu vào giá thành bán ra, còn phần chiết khấu nọ đương nhiên chui gọn vào túi vị lãnh đạo nọ. Cứ cho mỗi suất quà 200 ngàn đồng x 100 suất x 22% chiết khấu là có 4,4 triệu đồng bỏ túi ngon ơ. Con số 4,4 triệu thời điểm này “cực kỳ giá trị” khi lương của tôi (bậc 7/9) chưa đến 2 triệu/tháng và giá vàng khoảng hơn 1.500 ngàn/chỉ.

Năm nay, bánh Trung Thu loại bình dân giá 42 ngàn/cái (có 1/2 trứng trong nhân nhưng người bán thường nói là 1 trứng), loại 2 trứng 69 ngàn/cái. Bánh dẻo loại bình dân từ 30 đến 40 ngàn/cái. Như vậy, một suất quà Trung Thu bây giờ ít nhất cũng phải 300 ngàn đồng mới có thể “ăn được.” Nhưng không thể nói họ “tham nhũng” được vì hóa đơn đỏ xuất ra quyết toán với tài chính vẫn ghi đúng con số tiền đã trả cho người bán, trong đó có tiền chiết khấu, sau đó người bán tính phần trăm mà “thối lại” cho người mua. Tiền mua bánh làm quà Trung Thu thường thì lấy từ quỹ Công Ðoàn (tức tiền của cán bộ, nhân viên phải trích lương nộp hàng tháng cho Công Ðoàn), tiền từ Công Ðoàn cấp trên phân bổ xuống (tức tiền ngân sách = tiền thuế của dân) hoặc tiền giám đốc duyệt cho từ tiền kinh phí hoạt động của cơ quan (cũng là tiền ngân sách).

 Do đó, chức vụ Công Ðoàn trong cơ quan, đơn vị là một vị trí béo bở, đã có tiền (ngoài lương) bỏ túi, lại còn có “thành tích chăm lo đời sống cán bộ, nhân viên” để viết vào bảng thành tích cuối năm đề nghị khen thưởng hay lên chức nữa. Nếu không phải là loại “con cha cháu chú” hoặc là có “tay nghề” nịnh cấp trên cực giỏi thì không thể ngồi vào cái ghế lãnh đạo Công Ðoàn.

Trung Thu thì năm nào cũng có, Trung Thu đều đến với mọi nhà giàu sang lẫn nghèo khó. Còn đám ma, đám cưới, đám thôi nôi, đám đầy tháng nhà sếp thì không phải năm nào cũng có. Có lần, tôi đi theo một vị lãnh đạo Công Ðoàn cơ quan tôi đi thăm… con rể sếp bị bệnh mà cảm thấy mình dị hợm, mặt dày quá chừng, dù tôi chỉ đi theo để ngồi im và nghe lãnh đạo Công Ðoàn “thăm hỏi.” Nó dị hợm ở chỗ con gái và con rể sếp chỉ là dân kinh doanh bình thường ngoài xã hội, chớ nào phải cán bộ, nhân viên gì trong cơ quan mình đâu, mà quan hệ con rể với cán bộ cơ quan (theo quy định) thì đại bác bắn không tới, không thuộc đối tượng Công Ðoàn phải thăm hỏi như là: ông bà, cha mẹ (ruột, bên vợ bên chồng), vợ chồng, con, anh chị em ruột của cán bộ, nhân viên.

Vì vậy, Trung Thu là một dịp để người ta “thể hiện tấm lòng” với cấp trên như một kiểu “đóng hụi chết” công khai mà không bị mang tiếng là hối lộ hoặc tham nhũng, cũng là một dịp để có tiền bỏ túi riêng một cách “hiên ngang,” “công khai minh bạch,” không sợ “đứa nào” nói ra nói vào. Ô hô! Trung Thu vạn tuế, vạn vạn tuế!

Tạ Phong Tần

Chuyên mục:Chuyện vỉa hè
  1. Dương Mạnh Vy
    16/09/2011 lúc 9:42:chiều

    (1) Trung thu bây giờ không còn ý nghĩa của mùa lễ hội nhi đồng, thiếu nhi, chơi đèn lồng, ăn bánh, thưởng trăng, mà là mùa biếu xén, thể hiện lòng thành của cấp dưới đối với cấp trên, nói huỵch toẹt ra là đút lót, hối lộ. Rất nhiều dân nghèo không có bánh trái để ăn, nhưng nhiều nhà quan chức cán bộ – đảng viên vứt đi không hết. Nói về lồng đèn thì đèn dán giấy bóng kính, đèn xếp truyền thống đã thua ngay trên sân nhà cho đèn nhựa chạy pin Trung quốc; mà nay điện đèn sáng trưng ai còn thắp nến chơi trăng nữa ? Nói về bánh, thì nhiều nhà sản xuất làm bằng nhân bánh Trung quốc, kém phẩm chất và chứa nhiều hoá chất độc hại. Ăn vào nếu không nhiễm độc thì cũng bị tiểu đường, tăng cholesterol. Chưa đến ngày Trung thu mà đã bán đại hạ giá, mua 1 tăng 1 hay tặng 2, họ vẫn lời kinh khủng.

  2. Dương Mạnh Vy
    16/09/2011 lúc 9:57:chiều

    (2) Còn nhớ ngày xưa (trước 1975), vì nhà nghèo, mẹ tôi thường chờ đến qua ngày trung thu mới mua bánh hạ giá chia cho nếm mùi. Đèn lồng thì anh em xúm nhau tự làm bằng lon sữa bò, ghép bánh xe, xỏ cây gậy, đốt cây đèn cầy để vào, thế là đã có đèn chơi với trẻ con lối xóm. Một thời kỷ niệm ! Bây giờ, bánh trung thu làm kiểu cách cầu kỳ, giá vẫn quá đắt (dù đã đại hạ giá), ăn thử chỉ 1/4 cái bánh là ngấy đến tận cổ. Ra xem các quầy bánh, đèn đóm sáng trưng, nhưng gần đến ngày lễ mà người bán buồn xo, đề bảng đại hạ giá mua 1 tặng 1, rồi tặng 2 mà vẫn ế. Người dân đang bỏ dần việc biếu xén nhau, mua ăn thì chỉ 1 miếng là ngán, các doanh nghiệp cũng không mua cho công nhân trong thời buổi khó khăn này (cho chút tiền còn có ích hơn), nên bánh trung thu chỉ còn là món quà điếu đóm cho hàng quan chức cán bộ – đảng viên. Lễ hội nhi đồng truyền thống thật sự đã tàn rồi !

  3. lengoctran
    21/06/2019 lúc 8:51:chiều

    viet hay lam. Toi rat thich Chi qua that co nang khieu viet bao .

  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này