Trang chủ > Chuyện vỉa hè > “CHÁY NHÀ” RA MẶT… CÁN BỘ

“CHÁY NHÀ” RA MẶT… CÁN BỘ

Bài đã đăng báo Người Việt

Chưa kể đến số cán bộ đánh bạc tưng bừng, riêng một huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) miền Trung nghèo nàn mà từ tháng 2, 2010, đến đầu năm 2011 đã bắt quả tang 17 vụ đánh bạc có cán bộ công chức tham gia. Thử Google “một phát” sẽ thấy từ địa đầu Móng Cái đến tít mũi Cà Mau, nơi nào cũng có cán bộ tham gia đánh bạc bị bắt quả tang, nếu làm bài toán tổng kết cả nước đảm bảo người dân đọc xong lăn đùng ra xỉu hết. Ðánh bạc trong nội địa chưa “đã,” cán bộ ta “lấn sân” ra nước ngoài chơi luôn, nổi đình nổi đám nhất thời gian gần đây là mấy vị cán bộ quản lý thị trường tỉnh Long An. Nghe đâu họ đã sang Campuchia đánh bạc nhiều lần nhưng không biết cơ quan quản lý cán bộ như thế nào mà thời gian dài “chưa phát hiện.”

Từ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị vợ đốt chết “cán bộ ta” mới “bị lộ” vụ đánh bạc, nếu không thì chưa biết “bao giờ cho đến Tháng Mười.” Dân Việt có câu “Cơm no bò cỡi,” “No cơm ấm cật, rậm rật ăn chơi,” còn những “đồng chí chưa bị lộ” thì chưa biết “tiền kho bạc nén” trong nhà dư đến mức nào mới đem đánh bạc?

Báo Thanh Niên ngày 21 tháng 3, 2011 cho hay: “Ngày 18 tháng 3, 2011 Hoàng Thế Liên, thứ trưởng thường trực Bộ Tư Pháp bị kẻ gian vào phòng làm việc (tại trụ sở Bộ Tư Pháp và Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư) lấy đi “khoảng 245 triệu đồng cùng 2,000 USD.”

Khôi hài nhất là cách giải thích về nguồn gốc số tiền của “ai đó” với báo chí (không phải chính miệng ông Liên) là “tiền tiết kiệm của ông Liên và giữ hộ dòng họ Hoàng.

Thời buổi “ra ngõ gặp ngân hàng” liệu có ai tin là ông Liên giữ tiền cho dòng họ không? Làm ra tiền luôn luôn khó hơn giữ tiền (chỉ làm động tác đơn giản “cất kỹ” là xong). Dùng chữ “dòng họ” hẳn phải là đông người, chẳng lẽ một đám đông người biết làm ra tiền nhưng lại không có khả năng giữ tiền của chính mình nên phải nhờ ông Liên giữ tiền giùm mình?

Ông thứ trưởng này (lại đường đường là thứ trưởng Bộ Tư Pháp hẳn hoi chớ không phải thứ trưởng không biết đọc sách luật đâu nhé) sao lại ngớ ngẩn đến mức cất tiền riêng ở một chỗ rất ư “nhạy cảm” (dễ bị người ta nghĩ đến tiền hối lộ) là phòng làm việc?

Bản tin còn cho biết thêm: “Trước đó, vào ngày 16 tháng 3, kẻ gian cũng đã đột nhập vào một cơ quan của Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư trên địa bàn Q. Ðống Ða, lấy cắp một số tài sản ước tính trên 60 triệu đồng.”

Ðọc những tin như thế này thảo dân tôi mới chợt giật mình khi nhớ lại lâu lâu báo chí lại đưa tin cán bộ bị mất trộm, mà toàn là mất số tài sản bự cả.

Ðiểm lại những tin tức thời gian gần đây sẽ thấy như sau:

– Ngày 21 tháng 5, 2009, ông Lê Văn Dần (công tác tại UBND tỉnh Bình Bương) ngụ tại khu 5, phường Phú Hòa bị kẻ gian đột nhập nhà riêng cạy bung két sắt “lấy đi một số tiền lớn và nhiều giấy tờ quan trọng (chủ nhà xin giấu chi tiết).”

– Ngày 10 tháng 5, 2010, kẻ gian đột nhập nhà của lãnh đạo phòng Cảnh Sát Cơ Ðộng, Bảo Vệ và Hỗ Trợ Tư Pháp (PC22), công an tỉnh Kon Tum khiêng két sắt lên ôtô rồi tẩu thoát. “Hiện thông tin về số tài sản trong két sắt bị mất chưa được gia đình nạn nhân tiết lộ.”

– Ngày 8 tháng 2, 2011, ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ Chi Cục Thuế quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng bị kẻ gian cuỗm xe máy SH biển số 16N1 – 8999 trước nhà riêng ở quận Hải An. “Trong cốp xe đựng số tiền trên $36,300 USD và 20 triệu đồng” (Người Lao Ðộng, 11/02/2011). Ðây là tài sản riêng của ông Thắng chớ không phải của cơ quan ông Thắng, cộng với chiếc xe giá $7,500 USD, vị chi ông Thắng bị mất $43,800 USD và 20 triệu đồng, tương đương 375 tháng lương (2.5 triệu/tháng) của một cán bộ thường (không giữ chức vụ), tương đương 31 năm công tác liên tục và không xài một đồng xu nhỏ nào trong số tiền lương đó. Chưa kể cái bảng số xe đẹp kia trị giá vài “chai” chớ chẳng chơi.

Ông Trần Văn Truyền, tổng thanh tra chính phủ trả lời báo chí bên lề cuộc họp Quốc Hội ngày 14 tháng 6, 2010 rằng: “Thực tế có cán bộ tài sản còn nhiều hơn ông Ðặng Hạnh Thu”- nguyên tổng cục trưởng Thuế, có 28 lô đất, mỗi lô trị giá bạc tỷ ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai (Tiền Phong 15/6/2010). Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi thêm ông Truyền rằng nhiều hơn là nhiều bao nhiêu, số tài sản đó có được kê khai theo quy định không thì ông Truyền từ chối trả lời.

Lạ một chuyện nữa là từ trước đến nay dân chúng chưa hề thấy “nhà nước ta” công bố cho dân biết cán bộ làm cách nào mà giàu quá để dân học tập làm theo, chớ cứ “xóa đói giảm nghèo” rồi chuyển sang “cận nghèo” hay “tái nghèo” hoài thì xóa đến chừng nào mới hết?

Sáng nay, chị bán báo than phiền với tôi chị mua có chút xíu thịt với rau để nấu nồi canh mà mất hơn 50 ngàn đồng, chưa kể gạo với đồ ăn mặn, rồi còn tiền gas, tiền điện, tiền nước, tiền học phí cho con,… coi bộ làm không đủ ăn rồi.

Một người quen của tôi hành nghề lái xe 12 chỗ chở thuê thì nói: “Khách bình thường gặp tui thuê xe, họ sợ tui ‘chém’ nên cứ ngã giá trước, xong xuôi rồi mới đi. Còn tui gặp công an kêu chở là tui phải ngã giá trước, đồng ý thì tui chở, không thì thôi. Chớ cái kiểu kêu lại nói: ‘Mày chở anh về quê ăn đám giỗ’ xong rồi xuống xe đi thẳng, mất toi cả triệu bạc tiền xăng chớ ít đâu. Tui bị mấy lần nên sợ quá rồi.” Ði xe như mấy chú công an nói trên âu cũng là một cách “tiết kiệm” để làm giàu?

Chưa kể đến số cán bộ đánh bạc tưng bừng, riêng một huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) miền Trung nghèo nàn mà từ tháng 2, 2010, đến đầu năm 2011 đã bắt quả tang 17 vụ đánh bạc có cán bộ công chức tham gia. Thử Google “một phát” sẽ thấy từ địa đầu Móng Cái đến tít mũi Cà Mau, nơi nào cũng có cán bộ tham gia đánh bạc bị bắt quả tang, nếu làm bài toán tổng kết cả nước đảm bảo người dân đọc xong lăn đùng ra xỉu hết. Ðánh bạc trong nội địa chưa “đã,” cán bộ ta “lấn sân” ra nước ngoài chơi luôn, nổi đình nổi đám nhất thời gian gần đây là mấy vị cán bộ quản lý thị trường tỉnh Long An. Nghe đâu họ đã sang Campuchia đánh bạc nhiều lần nhưng không biết cơ quan quản lý cán bộ như thế nào mà thời gian dài “chưa phát hiện.”

Từ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị vợ đốt chết “cán bộ ta” mới “bị lộ” vụ đánh bạc, nếu không thì chưa biết “bao giờ cho đến Tháng Mười.” Dân Việt có câu “Cơm no bò cỡi,” “No cơm ấm cật, rậm rật ăn chơi,” còn những “đồng chí chưa bị lộ” thì chưa biết “tiền kho bạc nén” trong nhà dư đến mức nào mới đem đánh bạc?

Lâu nay báo chí Việt Nam cứ “kêu làng kêu nước” rằng cán bộ nhà nước nghèo, lương cán bộ không đủ sống, hóa ra cán bộ ta tuy lương thấp nhưng đều giàu cả. Có thể nói, nhờ “công” bọn trộm ra tay nên dân Việt Nam mới biết “cháy nhà ra mặt… cán bộ ta.”

Tạ Phong Tần

 

 

Chuyên mục:Chuyện vỉa hè
  1. hong
    25/03/2011 lúc 10:08:chiều

    “Cán bộ nhà nước nghèo, lương cán bộ không đủ sống, hóa ra cán bộ ta tuy lương thấp nhưng đều giàu cả. Có thể nói, nhờ “công” bọn trộm ra tay nên dân Việt Nam mới biết “cháy nhà ra mặt… cán bộ ta.””
    Cán bộ nhà nước nen hoc bai hoc cua Nhat Ban.

    Vietnam. Chúng ta học dược những gì từ dân tộc Nhật trong thảm học nầy?
    Dân tộc ta có dược như thế không trong tương lai?

    Vì sao cảnh cướp bóc không xảy ra trong thảm họa ở Nhật?

    TTO – Từng làm cả thế giới phải trầm trồ thán phục về cuộc “Minh Trị duy tân” hay những bước tiến thần kỳ kể từ sau Thế chiến thứ 2, giờ đây Nhật Bản lại khiến người ta ngạc nhiên về tính kỷ luật phi thường, bất chấp cảnh tượng kinh hoàng do động đất và sóng thần.

    Tài sản cá nhân được tôn trọng ngay khi thảm họa đang thảm khốc – Ảnh: Telegraph
    Trước tiên là thảm họa xảy ra, sau đó là hôi của – một diễn biến đã trở nên quá quen thuộc trong những thảm họa gần đây. Trong trận lụt ở phía tây nước Anh năm 2007, những kẻ hôi của đã đập vỡ cửa kính của những xe hơi bị bỏ lại và cướp giật những chai nước uống cứu trợ.

    Tại New Orleans năm 2005, Chính phủ Mỹ đã phải đưa quân đội tới để giải quyết cảnh hỗn loạn trong thành phố – các vụ đọ súng, cướp của diễn ra thường xuyên đến độ người ta đã không cho những người tình nguyện đến hỗ trợ vì quá nguy hiểm.

    Còn ở Haiti, cho đến bây giờ người ta vẫn còn ghi nhận các vụ hãm hiếp và cướp bóc tại những khu vực đổ nát mà chính phủ chưa thể dọn dẹp, một năm sau khi động đất xảy ra.

    Thế nhưng tại Nhật Bản, không có ai bất chợt “để mắt” đến những đống đổ nát dù tình hình thật sự tuyệt vọng.

    Tại tỉnh Miyagi – một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất, người dân đang trải qua cảnh thiếu thốn lương thực và nước uống.

    “Đường ống gas và nước đã ngừng hoạt động ở Miyagi và thành phố Sendai. Ở vài nơi thì điện cũng không có – một nhân viên cứu hộ nói với RIA Novosti – nhưng không có cảnh hoảng loạn trên đường phố và cửa hàng”.

    CNN ghi lại cảnh người dân đứng xếp hàng trật tự bên ngoài những cửa hàng không còn cửa chính cũng như cửa sổ do bị trận động đất tàn phá.

    Người Nhật xếp hàng mua dầu hỏa – Ảnh: AP

    Tại một cửa hàng khác đã tan hoang vì động đất, người ta thấy một máy ATM và nhiều thùng lương thực bên trong vẫn còn nguyên vẹn, mặc dù xung quanh không có ai bảo vệ.

    Không hề có tình trạng đầu cơ – các siêu thị giảm giá và các chủ máy bán nước tự động phát không nước uống cho mọi người – tất cả cùng đoàn kết để tồn tại, tờ Telegraph ghi nhận.

    “Hiện tượng” này đang gây ngạc nhiên khắp thế giới. Nhà phân tích Ed West đặt câu hỏi trên tờ Telegraph: “Tại sao không có hôi của ở Nhật Bản?”. Trang web tìm kiếm Google cho thấy có 2.770.000 người đã đặt ra vấn đề tương tự như ông West.

    “Tinh thần đoàn kết của người Nhật thật mạnh mẽ. Sức mạnh của xã hội Nhật Bản có lẽ gây ấn tượng còn hơn cả sức mạnh công nghệ của họ” – ông Ed West viết trên tờ Telegraph.

    Còn tổng biên tập báo Bangkok Post Pichai Chuensuksawadi đã phải thốt lên: “Chẳng phải đã bao nhiêu lần chúng ta thấy cảnh hôi của, cướp giật và bạo lực sau một thảm họa thiên nhiên đó sao?”.

    Tinh thần tập thể cao độ

    “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có một từ để mô tả chính xác hành động này” – Gregory Pflugfelder, giáo sư nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định.

    Giáo sư Pflugfelder, người có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm xảy ra thảm họa, kể với CNN về những dòng người xếp hàng trật tự tại các ga tàu điện đã đóng cửa trong nhiều giờ do thảm họa. Hiện tượng này có cội rễ từ nền văn hóa Nhật Bản, theo ông Pflugfelder, bởi mỗi người Nhật Bản đều cảm thấy mình có trách nhiệm trước hết là đối với xã hội. Nền tảng văn hóa Nhật, theo ông, được xoay quanh một tinh thần cộng đồng cao độ, “có vẻ như được phát huy còn tốt hơn ngay cả khi có thảm họa”.

    “Người Nhật tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của cộng đồng và nhóm, bởi họ coi đó là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân” – ông Pflugfelder phân tích.

    Mặt khác, CNN dẫn lời ông Pflugfelder, “Trật tự xã hội và kỷ luật đã được tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên người Nhật Bản không thấy trở ngại tiếp tục thói quen này khi có thảm họa xảy ra”.

    Xếp hàng ngay ngắn bên ngoài một cửa hàng ở Sendai – Ảnh: CNN

    Merry White, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston (Mỹ), nói hôi của xuất phát từ sự phân hóa xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Xã hội Nhật Bản không phải là không có hiện tượng đó, tuy nhiên “bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp nhận trong văn hóa Nhật”.

    Tôn giáo

    Đa số người Nhật theo Thần đạo và Phật giáo, và theo như giáo sư John Nelson thuộc Đại học San Francisco, người Nhật sử dụng tôn giáo để đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống.

    “Khi gặp sự việc tính cực thì người Nhật tìm đến các nghi thức của Thần đạo, nhưng khi gặp tai họa hay thảm kịch thì họ hướng về Phật giáo”, theo ông Nelson.

    Người dân đứng chờ tàu điện ngầm trong trật tự – Ảnh: CNN

    Khác với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo và Thần đạo của người Nhật không quá tập trung vào nguyên nhân xảy ra thảm họa mà chỉ dạy cách ứng xử của người dân trước thảm họa.

    “Đối với người Nhật, quan trọng nhất là phản ứng một cách tích cực và kiên trì mỗi khi đối mặt với khó khăn, điều đó phản ánh qua tôn giáo của họ” – giáo sư Bocking thuộc Đại học Cork nói với CNN.

  1. 23/03/2011 lúc 9:26:chiều
  2. 18/10/2014 lúc 5:08:sáng

Bình luận về bài viết này