Trang chủ > Khoa học pháp lý > ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ ĐIỀU 79 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ ĐIỀU 79 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

June 07, 2007

Định nghĩa: Hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi của công dân Việt Nam thành lập hoặc tham gia tổ chức nào đó nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân.

Chính quyền không phải của dân thì có quyền lật đổ thoải mái.

Bãi biển Mỹ Khê – Đà Nẵng
Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:

1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Định nghĩa: Hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là hành vi của công dân Việt Nam thành lập hoặc tham gia tổ chức nào đó nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân.

Chính quyền nhân dân được hiểu trong Điều luật này là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”, tức hệ thống chính quyền của Nhà nước XHCN Việt Nam, được quy định tại Điều 2 Hiến pháp chớ không phải một hệ thống chính quyền nào khác.

Như vậy, tội danh này có ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ như sau:

Khách thể của tội phạm:

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân xâm phạm trực tiếp đến sự tồn tại của chính quyền nhân dân, của chế độ chính trị, kinh tế, xã hội đã được Hiến pháp năm 1992 quy định. Vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam là giành chính quyền và giữ chính quyền để thực hiện mục tiêu độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Tội phạm có dấu hiệu pháp lý đặc trưng là “hoạt động thành lập tổ chức” hoặc “tham gia tổ chức”, cả hai hành vi đó đều nhằm vào một mục đích là “nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

“Tổ chức”(組 織) là cùng nhau làm một việc gì đó. Theo Từ điển tiếng Việt, “tổ chức” có các nghĩa sau: 1. Sắp xếp, bố trí thành các bộ phận để cùng thực hiện một nhiệm vụ hoặc cùng một chức năng chung. Ví dụ: tổ chức lại các phòng trong cơ quan tổ chức lại đội ngũ cán bộ. 2. Sắp xếp, bố trí để làm cho có trật tự, nề nếp. Ví dụ: tổ chức đời sống gia đình tổ chức lại nề nếp sinh hoạt. 3. Tiến hành một công việc theo cách thức, trình tự nào. Ví dụ: tổ chức hội nghị, tổ chức hôn lễ. Nhìn chung, yổ chức là một tập hợp người được tổ chức theo cơ cấu nhất định để hoạt động vì lợi ích chung, có cơ cấu và kỷ luật chặt chẽ, có ý thức theo sự phân công của tổ chức và được tổ chức tín nhiệm.

“Hoạt động” (活 動): ngược lại với bất động (不 動), hoạt động là làm những việc khác nhau với mục đích nhất định trong đời sống xã hội; chỉ hành động, cử chỉ nào đó, không chịu ngồi im, yên chỗ; vận hành để thực hiện chức năng nào hoặc gây tác động nào đó.

Cho nên, không phải ai hoạt động thành lập tổ chức hay tham gia một tổ chức nào đó là có hành vi phạm tội, mà việc tham gia hay thành lập tổ chức đó có phải nhằm mục đích cuối cùng là lật đổ chính quyền hay không, nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được đối tượng có mục đích này thì hành vi không cấu thành tội phạm. Luật quy định trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội (Điều 10 BLTTHS) .

Mặt khách quan của tội phạm:

Hoạt động thành lập tổ chức chống chính quyền nhân dân là sau khi đã thành lập tổ chức thì đề xướng ra chủ trương, đường lối hoạt động, tuyên truyền lôi kéo, tập hợp người vào tổ chức chống chính quyền nhân dân. Chủ trương, đường lối hoạt động của tổ chức chống chính quyền nhân dân có thể được cụ thể hóa bằng các tài liệu như: chính cương, điều lệ, chương trình hoạt động, hiệu triệu, tài liệu huấn luyện, v.v…; nhưng cũng có thể chỉ thu gọn trong các lời lẽ tuyên truyền, rủ rê người khác cùng đứng ra thành lập tổ chức hay tham gia tổ chức chống chính quyền nhân dân. Dấu hiệu “hoạt động thành lập tổ chức” có thể là hành vi chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức hoặc là đã thành lập được tổ chức.

Hoạt động thành lập tổ chức chống chính quyền nhân dân chỉ có thể do một người, nhưng thực tế thì thường do nhiều người, cùng thống nhất ý chí, cùng chung mục đích đứng ra thành lập tổ chức. Được coi là hoạt động thành lập tổ chức chống chính quyền nhân dân và là tội phạm hoàn thành vào thời điểm một người đề xướng ra chủ trương, đường lối chống chính quyền nhân dân cho một người thứ hai biết, dù người thứ hai biểu thị thái độ đồng tình hay không đồng tình.

Tham gia tổ chức chống chính quyền nhân dân là trên cơ sở nhận thức được mục đích của tổ chức này là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, nhưng tán thành và tự nguyện đứng vào hàng ngũ của tổ chức, thực hiện các chủ trương và hoạt động cho tổ chức. Được coi là tham gia vào tổ chức hoạt động nhằm chống lại chính quyền nhân dân và tội phạm hoàn thành từ thời điểm biểu thị sự đồng tình gia nhập tổ chức hoặc nhận giấy chứng nhận là thành viên của tổ chức, không đòi hỏi phải có ít nhiều hoạt động thực tế trong tổ chức.

Trong thực tiễn có những hành vi như: gián điệp, khủng bố, phá hoại cơ sở vật chất, tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam, v.v…. với mục đích rõ ràng là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, bị cáo bị xử lý về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì những hành vi nêu trên được coi là thủ đoạn để thực hiện tội phạm, mà không cần thiết phải quy thành tội độc lập khác.

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân và tội phản bội Tổ quốc được phân biệt ở một dấu hiệu cơ bản: Tội phản bội Tổ quốc có hành vi câu kết với nước ngoài, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân không có hành vi câu kết với nước ngoài hoặc tuy có bàn bạc với nhau tìm cách liên hệ, xin nước ngoài giúp đỡ để hoạt động, nhưng chưa thực hiện được, chưa thực sự có sự cấu kết với nước ngoài (Hành vi “câu kết” đã phân tích rõ ở Entry “Đặc điểm pháp lý Điều 78 BLHS).

Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là bất kỳ công dân Việt Nam nào có năng lực trách nhiệm hình sự (giống chủ thể của Điều 78 BLHS). Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp kiều dân nước ngoài thực hiện tội phạm với vai trò đồng phạm dưới hình thức xúi giục, tổ chức hoặc giúp sức. Trong trường hợp công dân Việt Nam câu kết với nước ngoài thực hiện tội phản bộ Tổ quốc, người nước ngoài này không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội Tổ quốc (Việt Nam) mà phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Việt Nam) với vai trò đồng phạm với hình thức tổ chức, xúi giục, giúp sức hoặc bị truy cứu về tội gián điệp.

Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thuộc nhóm các điều luật có cấu thành hình thức. Tức là nếu cơ quan tố tụng chứng minh được bị can, bị cáo có hành vi tổ chức hoạt động hoặc tham gia tổ chức nào đó nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân thì hành vi của bị cán, bị cáo ấy đủ yếu tố cấu thành tội, không cần biết hành vi lật đổ có hoàn thành hay có đạt được mục đích hay không.

Tội phạm được thực hiện do cố ý. Người có những hành vi nói trên phải rõ ràng là có mục đích lật đổ chính quyền nhân dân nhằm thay đổ chế độ chính trị, kinh tế – xã hội đã được Hiến pháp quy định.

Trên thực tế, có tổ chức hoặc hoạt động của một nhóm người không nhằm mục đích lật đổ chính quyền nhân dân mà chỉ nhằm gây khó khăn, làm suy yếu chính quyền thì có thể cấu thành tội bạo loạn, khủng bố, v.v…

Ngược lại, cần xem xét thích đáng trường hợp tổ chức hoặc hoạt động của một nhóm người thực hiện tội bạo loạn, tội khủng bố… ở nơi và ở vào thời điểm chính quyền có nhiều sơ hở, mất cảnh giác rồi lợi dụng cơ hội đó lấn tới việc thực hiện hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trong trường hợp đó hành vi phạm tội bạo loạn, tội khủng bố đã phát triển thành tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

Tạ Phong Tần

Chuyên mục:Khoa học pháp lý
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này