Lưu trữ
AI CHO EM NÓI THẬT?
Bài đã đăng báo Người Việt
Bài văn đó, dĩ nhiên không phải văn của cháu nhỏ, điểm cô giáo cho trên bài văn, tất nhiên không phải cho cháu mà là cho ba (hoặc mẹ) cháu, nhưng cả nhà mặc nhiên hãnh diện với số điểm được mặc nhiên coi là của cháu bé. Thực tế, dù được học cách viết nhiều thể loại văn chương và chữ viết to bằng con gà mái, nhưng cháu không thể viết được tròn trĩnh bài nào quá một trang vở học trò.
Những bài tập vẽ của cháu đều từ bàn tay mẹ cháu mà ra. Khi tôi hỏi sao không để cháu tự vẽ và tô màu lấy, mẹ cháu bảo để cháu tự làm lấy thì riêng một bài tập vẽ phải mất ít nhất một tuần, cháu không có thời gian học bài những môn khác. Cho nên, cũng không lấy làm ngạc nhiên nếu bài tập vẽ điểm không cao thì chính mẹ cháu lồng lộn lên mắng chửi cô giáo “không có đầu óc thẩm mỹ”, vì cái điểm đó chẳng khác nào cô giáo “chê” mẹ cháu, còn cháu bé thì không có ý kiến gì. Đứa trẻ thản nhiên coi thành quả của người khác là của mình, chẳng phải do trường học cho đến gia đình ngay từ nhỏ đã tập cho học sinh kiểu sống dối trá hay sao?
“VĂN HÓA” CHEN LẤN
Bài đã đăng Thời Báo (Canada)
Cái sự chen lấn bất kể chết, chen lấn không biết xấu hổ miễn được việc của mình xuất hiện ở người Việt phải chăng bắt nguồn từ thời bao cấp, khi mà tất cả trẻ con như tôi đều có “nhiệm vụ” chen lấn để xếp hàng, giữ chổ, mua hàng của hợp tác xã. Công mình xếp hàng cả ngày nhiều khi gần đến phiên mình thì thấy đùng đùng xuất hiện trước mặt hai chữ “hết hàng” làm cho người ta phải bằng mọi giá chen lên phía trước nhằm cố gắng mua được hàng (phân phối).
Tất cả mọi sự lịch sự, khiêm nhường, sĩ diện, xấu hổ… của người Việt vốn có từ xưa giờ bỗng dưng mất hết, để lại một thứ đáng xấu hổ vô cùng là “văn hóa” chen lấn thời nay.
CANH CẢI TRỜI
Bài đã đăng Tuần báo Trẻ (Texas, USA)
Cải trời khi “chui” vào các nhà hàng sang trọng không phải để nấu canh tép, canh cá lóc ít gia vị, cách nấu dung dị, tự nhiên như người nhà quê vẫn nấu. Người ta sẽ cho cải trời vào những cái lẩu cầu kỳ sực nức nhiều thứ gia vị hồi, quế, hạt nêm… và ngồn ngộn nào là mực, tôm, cá hú, cá chẻm, thịt bò, heo… Cải trời sẽ chen chúc với cà tím, thơm, dưa chuột, cải trời, khế chua, chuối chát, rau dừa, rau đắng. Cái này gọi là “ăn theo phong trào” chớ còn gì đâu hương vị nguyên sơ đậm chất đồng quê của cải trời.
E rằng, giống như con nghêu, con sò huyết ở quê thôi, theo thời gian rồi đến một ngày người dân quê tôi lại không có đủ tiền mua cải trời ăn. Nếu cải trời lại trở thành một thứ ký ức xa xăm, ngọt ngào, một khung trời kỷ niệm trẻ thơ trong tâm hồn Việt thì thật đáng buồn thay!
BÁNH KHÔNG CẲNG SAO GỌI BÁNH BÒ?
Bài đã đăng Tuần báo Trẻ (Texas, USA)
Tôi hỏi ngoại tôi sao mà kêu là bánh bò? Ngoại tôi nói: “Tại khi đổ bột vô hấp, đổ có chút xíu bột mà bột nó bò ra đầy khuôn nên kêu là bánh bò”. Ở xóm, có bà Ba già bán bánh bò. Trưa nào bà cũng cắp một thúng bánh bò bên hông đi quanh xóm rao: “Bánh bò..ò..ò..ò..! Bánh bò..ò..ò..ò..ò..!”. Trên mặt thúng có đậy miếng bọc ni-lông nhìn vô thấy bánh bò đủ màu thiệt là hấp dẫn. Thấy bà đi ngang, đám con nít xúm nhau cùng la lên thiệt lớn lặp đi lặp lại để chọc ghẹo bà: “Bà Ba bán bánh bò bông. Bả bẻ bông bụp bị bắt bỏ bót, bả buồn bực biết bao”. Bà Ba già bán bánh bò nghe đám trẻ la hét chỉ cười hì hì. Chọc bà vậy thôi, chớ đứa nào cũng mê bánh bò của bà Ba, có tiền mua được cái bánh bò là mừng húm.
“CHÁY NHÀ” RA MẶT… CÁN BỘ
Bài đã đăng báo Người Việt
Chưa kể đến số cán bộ đánh bạc tưng bừng, riêng một huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) miền Trung nghèo nàn mà từ tháng 2, 2010, đến đầu năm 2011 đã bắt quả tang 17 vụ đánh bạc có cán bộ công chức tham gia. Thử Google “một phát” sẽ thấy từ địa đầu Móng Cái đến tít mũi Cà Mau, nơi nào cũng có cán bộ tham gia đánh bạc bị bắt quả tang, nếu làm bài toán tổng kết cả nước đảm bảo người dân đọc xong lăn đùng ra xỉu hết. Ðánh bạc trong nội địa chưa “đã,” cán bộ ta “lấn sân” ra nước ngoài chơi luôn, nổi đình nổi đám nhất thời gian gần đây là mấy vị cán bộ quản lý thị trường tỉnh Long An. Nghe đâu họ đã sang Campuchia đánh bạc nhiều lần nhưng không biết cơ quan quản lý cán bộ như thế nào mà thời gian dài “chưa phát hiện.”
Từ vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị vợ đốt chết “cán bộ ta” mới “bị lộ” vụ đánh bạc, nếu không thì chưa biết “bao giờ cho đến Tháng Mười.” Dân Việt có câu “Cơm no bò cỡi,” “No cơm ấm cật, rậm rật ăn chơi,” còn những “đồng chí chưa bị lộ” thì chưa biết “tiền kho bạc nén” trong nhà dư đến mức nào mới đem đánh bạc?