ĐI CHỢ SALE OFF NGÀY GIÁP TẾT
Bài đã đăng Thời Báo (Canada)
Đi chợ sale off có cái thú tha hồ lựa hàng, bốc lên thảy xuống mà không sợ chủ hàng khó chịu. Những ngày gần Tết, lại có những thứ hàng “từ thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa” hổng biết ở đâu họ lôi ra đem bán mỗi thứ vài ba cái, muốn mua cả chục cũng không có, ngày bình thường không thấy bán. Một đống muỗng I-nốc (khoảng một bao bự) lổng chổng đủ kích cỡ, kiểu dáng, dài ngắn… được người bán rao: “Muỗng I-nốc tốt hàng tồn cuối năm đại hạ giá, lớn 10 ngàn, nhỏ 5 ngàn ngheo bà con”. Vây quanh đống muỗng là các bà đi chợ chen nhau lựa, ai cũng muốn mua chừng chục cái giống nhau để phòng khi khách khứa đến nhà có mà dùng. Sau một hồi “đào bới” săm soi ngắm nghía thỏa thích, tôi cũng lựa được cho mình một cái muỗng “độc nhất vô nhị” vừa với cái ly uống cà phê nhỏ của tôi ở nhà, nó không nặng và tròn như cái muỗng cho trẻ ăn bột, cán không dài thòng như muỗng ở quán cà phê, cũng không quá nhỏ như muỗng ăn trứng vịt lộn, và nó có một cái duy nhất. Có lẽ ngoài tôi ra thì không ai thèm mua cái muỗng đó.
Những ngày cận Tết Nguyên đán, cảnh buôn bán trong chợ Tân Định (Sài Gòn) thưa thớt và bình lặng, không có gì cho thấy có “không khí tết” hết trơn. Ế nhất là dãy sạp hàng vải, sạp mùng mền gối, kế đó là sạp giày dép, bánh mứt ngọt. Bán được hàng đều đều là sạp thực phẩm khô (tôm khô, cá khô, trái cây khô, các loại hạt khô…), quần áo may sẳn giá bình dân. Một chị năn nỉ tôi “mở hàng” dùm cái ruột gối giá 40 ngàn đồng, chị than: “6 giờ chiều là chợ đóng cửa mà ngày nào cũng trưa trời trưa trật mới có người mua, năm nay bán ế chảy nước”.
Ngược lại với cảnh buôn bán đìu hiu trong nhà lồng chợ, những con đường nhỏ vây quanh chợ lại nhộn nhịp, vui vẻ bán hàng sale off (đại hạ giá). Hàng sale off được người bán thuê chổ đổ đống và bán la. Người đi chợ thì xúm đen xúm đỏ chen nhau quanh mấy đống đồ, kẻ đứng, người ngồi, đứa chổng khu chúi đầu vô lựa hàng. Hàng sale off phong phú chủng loại, nhưng không phải ngày nào cũng có cố định. Hôm nay ông hàng xoong nồi ngồi chổ đó bán, hôm sau lại thấy chị bán nữ trang ngồi, hôm khác lại thấy anh hàng giày rao ỏm tỏi.
Đi chợ sale off có cái thú tha hồ lựa hàng, bốc lên thảy xuống mà không sợ chủ hàng khó chịu. Những ngày gần Tết, lại có những thứ hàng “từ thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa” hổng biết ở đâu họ lôi ra đem bán mỗi thứ vài ba cái, muốn mua cả chục cũng không có, ngày bình thường không thấy bán. Một đống muỗng I-nốc (khoảng một bao bự) lổng chổng đủ kích cỡ, kiểu dáng, dài ngắn… được người bán rao: “Muỗng I-nốc tốt hàng tồn cuối năm đại hạ giá, lớn 10 ngàn, nhỏ 5 ngàn ngheo bà con”. Vây quanh đống muỗng là các bà đi chợ chen nhau lựa, ai cũng muốn mua chừng chục cái giống nhau để phòng khi khách khứa đến nhà có mà dùng. Sau một hồi “đào bới” săm soi ngắm nghía thỏa thích, tôi cũng lựa được cho mình một cái muỗng “độc nhất vô nhị” vừa với cái ly uống cà phê nhỏ của tôi ở nhà, nó không nặng và tròn như cái muỗng cho trẻ ăn bột, cán không dài thòng như muỗng ở quán cà phê, cũng không quá nhỏ như muỗng ăn trứng vịt lộn, và nó có một cái duy nhất. Có lẽ ngoài tôi ra thì không ai thèm mua cái muỗng đó.
Cạnh hàng muỗng là hàng móc khóa, kim tây, kéo, lưỡi lam, dao xếp, vòng tay trẻ em bằng đồng, vòng tay thủy tinh nhiều màu (cẩm thạch, hổ phách, san hô, huyền), vòng cổ chó bằng đồng, chuông, lục lạc đồng. Tượng kim loại chì xi màu vàng hình ba ông Phước Lộc Thọ, con voi, con rồng, con cọp, ông Phật… nhỏ bằng ngón tay út người lớn giá 40 ngàn đồng/cái. Kim tây lớn bán từng xâu 12 cái giá 5 ngàn đồng (thứ này mua trong chợ 1 ngàn đồng/cái). Có cả đống lưỡi lam in chữ “Made in Pakistan” ngoài hộp, giá 10 ngàn đồng/hộp, không biết có phải Pakistan thiệt hay Pakistan bên hông Chợ Lớn, tôi cũng tò mò mua thử một hộp xài thử. So với giá trong chợ bán lưỡi lam trắng (Crome) 14 ngàn/hộp, lưỡi lam đen (thép) Trung Quốc 2,5 ngàn/hộp thì lưỡi lam này rẻ hơn, chất lượng thế nào thì… chưa biết.
Hàng áo thun nữ bán xôm nhất. Anh thanh niên chủ hàng rao: “100 ngàn 3 áo, 100 ngàn 3 áo, đủ màu, đủ kiểu, vải tốt mặc mát, muốn lấy cái nào cũng được. Hàng công ty tồn kho, cuối năm xổ bán rẻ bà con ơi. Mua dô, mua dô”. Người đi chợ cũng xúm đen xúm đỏ vô lựa áo. Đúng là rẻ thiệt, rẻ hơn 1 tô phở 24 nữa mà, vải mặc được, màu cũng đẹp, có điều người từ 50 ký trở lên thì không mặc vừa. Cô bán áo kế bên thì có kiểu nịnh khách hàng khách hơn, thấy tôi đi ngang cô kéo vào biểu tôi thử áo: “Chị “điện nước” đầy đủ, có “nhà lầu”, chị thử áo em đẹp lắm nè chị”. Cô đưa ra cái áo vải trắng mỏng như tơ có in bông dây xanh đỏ rũ dài từ cổ xuống nửa áo. Tôi giơ lên thấy áo giống y miếng vải tròn xếp đôi, xung quanh thêu viền chỉ đỏ, may thêm 2 đường thẳng ngắn hay bên làm thân áo, khoét cái lỗ hình elíp chính giữa làm cổ áo, mặc vô có cảm giác mình đang mặc áo của người Hy Lạp cổ đại, trông ngộ nghĩnh lắm. Giá áo 100 ngàn, so với áo cùng loại bán trong chợ rẻ hơn đến 50 ngàn đồng.
Anh chàng trẻ tuổi bán áo gối, ra trải giường là “sung” nhứt, luôn miệng gào tướng lên: “Cuối năm sắm gối mới, ra mới đi bà con. Ra 150 ngàn một cái, áo gối bự Hồ Cẩm Đào 10 ngàn một cái, Nguyễn Minh Triết 15 ngàn một cái”. Hỏi “Sao Hồ Cẩm Đào rẻ hơn?”, anh ta nói: “Vải Hồ Cẩm Đào pha ni-lông nhiều hơn, không mát bằng Nguyễn Minh Triết”. Quả thật, có nhiều người bới đống áo gối Việt Nam ra chọn màu, chọn kiểu bông để mua, còn đống áo gối Trung Quốc thì không ai buồn đụng tay đến. Những người mới đến xem hàng thì lôi vài cái hàng Trung Quốc ra xem rồi ném trở xuống, qua đống hàng Việt Nam lựa mua. Một chị lựa mua đến 3 cặp áo gối nói: “Giá này rẻ hơn một nửa so với giá bán trong chợ, áo gối trong chợ thì có thêm sợi dây kéo, còn áo gối này may hai mép vải chéo nhau sâu khoảng tấc rưỡi và không có dây kéo, nếu sợ nó bung ra phải đơm thêm nút hoặc kết thêm dây buộc. Thời buổi “củi quế gạo châu”, rẻ được đồng nào mừng đồng đó”.
Một bà khác lại bày bán hàng gốm kiểu Nhật (sản xuất tại Bình Dương). Hàng của bà gồm tô, chén, đĩa, bình bông, thố đủ kiểu dáng rất Nhật như ta thường thấy trong phim. Có điều là loại hàng lỗi kỹ thuật, để riêng từng cái không thấy nó lỗi vì cái kiểu nó vốn dĩ là méo và cắt vát phần miệng, nếu xếp chung chồng lên nhau sẽ thấy chúng bị vênh nhau. Mỗi thứ bà cũng chỉ có vài ba cái, không cái nào đủ thành chục. Giá bán cũng rất bình dân: 2 cái 15 ngàn đồng, bằng 1/3 giá hàng sứ Việt Nam trên quầy (loại đủ tiêu chuẩn). Bà còn bán cả nến ly tự làm, mà có mỗi 2 cặp nến. Tôi hỏi: “Ở đâu cô có những thứ này?”, bà nói: “Cháu tui làm trong hãng gốm, mấy thứ này người ta cho nó, cuối năm gom lại nó biểu tui đem bán lấy tiền xài”. Thấy mấy cái tô Nhật cũng hay hay, giống trái mãng cầu xiêm cắt vát lẹm ngang phía trên, nó sâu lòng, bự hơn cái chén nhưng lại nhỏ không đủ cho miếng mì gói vào. Tôi hỏi: “Cô có cái nào bự hơn cái này một chút không, cái này để gói mì vô không vừa”. Bà nói: “Tui hổng biết nữa, để về hỏi cháu tui, tuần sau nếu có tui đem ra”. Hơ hơ! Bán hàng mà người bán không biết hàng có loại gì thì chỉ chợ sale off thập cẩm tả pí lù này mới có.
Hàng giày thì rao toáng lên: “35 ngàn một đôi, 35 ngàn một đôi, muốn lấy đôi nào thì lấy”. Hỏi “Giày này Việt Nam hay Trung Quốc?”. Anh thanh niên bán giày nói: “Hàng Việt Nam” và chỉ chữ “Da Việt” in trên gót giày cho tôi xem. Coi kỹ thì thấy đế giày bằng nhựa đúc màu vàng da bò trong trong là kiểu đế Trung Quốc, da simili, bên trong lót vải mỏng, nhìn cũng thanh tao, xinh xắn đáo để. Tôi không tin 2 chữ “Da Việt” trên đế giày, nhưng cũng mua thử một đôi đế thấp kiểu búp bê màu nâu. Vừa trông thấy đôi giày, chị hàng xóm tôi khẳng định chắc nịch 100% là giày Trung Quốc. “Bây giờ nó ghê lắm, giày Trung Quốc đem về nó đóng chữ vô giả hàng Việt Nam. Cái này tui đi mấy đôi rồi, không hiểu sao lúc nó bán thì nhìn đẹp lắm, đem về đi được vài bữa là mặt da nó nứt ra như đất ruộng mùa nắng, rồi nó rụng ra hết lòi lớp vải dán bên trong ra, nhìn giống như bị ghẻ”. Tôi nghe mà muốn té ngữa, hóa ra để bán được hàng, người Trung Quốc không ngại bán cả hàng trơn không cần thương hiệu, bạn hàng mua về muốn đóng chữ hiệu gì, “Made in” gì tùy ý.
Những ngày cận tết có một thứ “hàng hóa” đặc biệt được bày bán là cát trắng Nha Trang, được vô bọc ni-lông, mỗi bọc chừng 2/3 lon sữa bò. Người bán bày ra một mẹt cát giống như bán bắp rang, giá 3 ngàn đồng/bọc. Thấy tôi nhìn, cô gái bán cát mời: “Mua cát trắng đi cô để thay cát cho lư hương đó”. Ra và vậy, ở quê có ai bán cát như vầy đâu, toàn thấy ở đâu có xây nhà, sửa nhà là xách bọc lại xin không hà. Mà gần tết, nhiều người xây cất lắm, xin một bọc cát đổ lư hương rất dễ. Cát xây dựng màu vàng sậm và dơ, đem về phải lọc rửa, phơi khô rồi mới đổ vào lư hương.
Trong tình hình giá sinh hoạt leo thang “30% và phấn đấu hơn thế nữa” so với trước, chợ sale off là nơi người lao động thu nhập thấp hướng đến. Nó giải quyết nhu cầu mua sắm những mặt hàng thiết yếu ngày Tết của người nghèo, nó cũng là nơi “kiếm thêm đồng ra đồng vào” cho những người “bỗng dưng bán hàng” đột xuất.
Tạ Phong Tần