Trang chủ > Sự kiện và Bình luận > BÀI HỌC TỪ TAJIKISTAN

BÀI HỌC TỪ TAJIKISTAN

Bài đã đăng báo Người Việt

Té ra, không những thôn tính vùng Tân Cương-Tây Tạng gây nên nhiều cuộc bạo động kéo dài từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc còn thể hiện tinh thần tích cực bành trướng xâm chiếm đất đai của các nước láng giềng khác là Tajikistan, Kyrgyzstan và Nga.

Từ đó, có thể nhìn thấy, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với Việt Nam cũng nằm trong chuỗi âm mưu thôn tính lãnh thổ lân bang, bành trướng bá quyền của Bắc Kinh. Không cần phải thông minh lắm cũng biết hành động bắt ngư dân, cướp tàu đánh cá, cướp cá, đòi tiền chuộc, vu cáo ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải… của chính quyền các huyện, tỉnh Trung Quốc không phải tự nhiên có, mà là hành động “ném đá dò đường” (thái độ của chính phủ Việt Nam) được chính quyền Trung Ương Trung Quốc “chống lưng” cho phép thực hiện. Nếu chính phủ Việt Nam tỏ ra đê hèn, khiếp nhược, sợ hãi, xun xoe bợ đỡ… Trung Quốc thì viễn cảnh Tajikistan ở Việt Nam cũng không xa.


Tuổi Trẻ ngày 14 tháng 1, 2011 đăng bản tin: “Tajikistan nhượng 1,000km2 đất cho Trung Quốc,” xin trích dẫn nguyên văn:
“Ngày 12 tháng 1, Quốc Hội Tajikistan đã bỏ phiếu thông qua nghị định thư nhượng cho Trung Quốc 1,000km2 đất thuộc khu vực vùng núi Pamirs hẻo lánh của nước này, kết thúc 130 năm tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.”

Quốc gia Tajikistan, nguyên là một thành phần trong Liên Bang Xô Viết, trở thành quốc gia độc lập khi đế quốc đỏ này tan rã hồi đầu thập niên 90. Bây giờ, Tajikistan cắt ra 1,000km2 dâng cho Trung Quốc “để chấm dứt tranh chấp lãnh thổ.” (Hình: Magellan Geographix)

Hãng thông tấn Asiaplus của Tajikistan dẫn lời Ngoại Trưởng Zarifi cho biết việc phê chuẩn nghị định thư về đường biên giới giữa nước này với Trung Quốc là “một sự kiện chính trị quan trọng” của Tajikistan. “Phần lãnh thổ tranh chấp từ trước đến nay chiếm gần 20% lãnh thổ của Tajikistan, trong khi theo nghị định thư vừa được ký thì chúng ta chỉ nhượng lại 1,000km2, tức chỉ chiếm 3% phần đất tranh chấp. Tôi xem việc ký kết trên là một chiến thắng trong chính sách đối ngoại của Tajikistan.” Ngoại Trưởng Zarifi giải thích.

Về việc nhượng đất này, dư luận tại Tajikistan và khu vực đang có nhiều nhận định khác nhau.

Ông Mukhiddin Kabiri, lãnh đạo Ðảng Phục Hưng Hồi Giáo (IRP), nói việc nhượng lại phần lãnh thổ này là trái với Hiến Pháp của Tajikistan và cho thấy sự thất bại trong chính sách đối ngoại của quốc gia.

“Chính phủ Tajikistan nhận được từ Trung Quốc các khoản vay ưu đãi lớn…” lãnh đạo phong trào đối lập Tajikistan Dodozon Atovulloev nói với phóng viên báo Kommersant. Những năm gần đây, Trung Quốc tích cực đầu tư vào Tajikistan, Dushanbe nhận được gần 1 tỉ USD tín dụng, chỉ riêng việc nâng cấp và xây mới đường sá đã tốn 250 triệu USD.

BBC cho biết qua nghiên cứu nhiều năm của các nhà khoa học, vùng lãnh thổ tranh cãi này (phía Ðông Pamirs) chứa một trữ lượng lớn gồm 17 loại khoáng sản thiết yếu.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng Sản Tajikistan, Sodi Sabdolov, nói việc thông qua nghị quyết “đặt dấu chấm hết cho tranh cãi gần 130 năm với Trung Quốc.” “Chúng ta không thể để tranh chấp này cho con cháu giải quyết,” ông kết luận.

Một số chuyên gia của Nga nhận định thỏa thuận biên giới với Trung Quốc phần nào cũng có lợi cho Tajikistan. “Nhận được đất đai, Trung Quốc đền bù cho Dushanbe bằng các dự án đầu tư lớn, điều tương tự cũng xảy ra với Kyrgyzstan.” Chuyên gia trung tâm Karnegi Aleksey Malasenko nói. Ngoài ra, nhiều nhà quan sát cũng cho rằng tranh chấp biên giới với Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều rắc rối cho các nước láng giềng trong tương lai, nhất là một quốc gia nhỏ như Tajikistan. Suy cho cùng, báo Kommersant kết luận, “trong hiệp ước biên giới với Trung Quốc năm 2005, Nga cũng nhường một phần đất của mình vì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.”

Tajikistan là một nước thành viên của Liên Bang Xô Viết cũ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Tajikistan tuyên bố độc lập.

Bản tin không nói rõ nguồn gốc phần đất tranh chấp là thuộc lãnh thổ Tajikistan hay Trung Quốc, nguyên nhân tranh chấp, thời gian tranh chấp, dân cư ở vùng đất tranh chấp thuộc dân tộc gì, nói tiếng gì, các bằng chứng chứng minh chủ quyền của các bên.

Không có chuyện Tajikistan và Trung Quốc cùng tranh chấp một vùng đất hoang chưa có chủ quyền quốc gia của bất cứ ai. Mà hồi nào tới giờ có anh tí hon nào dám xâm chiếm đất đai của anh khổng lồ Trung Quốc cơ chứ. Cứ theo lý mà suy, phần đất tranh chấp đó có đến 99,9% là chủ quyền quốc gia thuộc Tajikistan. Nếu làm sáng tỏ những câu hỏi trên, người đọc có thể hiểu được trong vụ tranh chấp ai là kẻ xâm lược, ai là quốc gia bị xâm lược. Không thể chấp nhận kiểu bào chữa ngụy biện của lãnh đạo đảng Cộng Sản Tajikistan nhường đất cho Trung Quốc là để “chấm dứt tranh cãi” hay “không thể để tranh chấp này cho con cháu giải quyết,” Nếu là đất đai tổ tiên để lại mà bị kẻ địch ỷ mạnh lấn chiếm thì dù có tranh chấp đến ngàn đời sau cũng phải tranh chấp, đó là ý thức, trách nhiệm công dân, ý thức và trách nhiệm của con cháu đối với tổ tiên. 130 năm so với một đời người thì quá dài, nhưng so với chiều dài lịch sử của một quốc gia thì không đáng là gì. Sao lại có cái “chân lý” kẻ nào già mồm thì kẻ đó lợi hơn?

Cũng không thể chấp nhận kiểu “AQ tinh thần” của Ngoại Trưởng Zarifi là chỉ mất có 3% phần tranh chấp thôi nhưng Trung Quốc sẽ không giành nữa. Lập luận kiểu này cũng giống như ta có cái nhà 100m2, lão hàng xóm nhảy sang giành của ta 20m2, sau một thời gian cãi qua cãi lại, cuối cùng thỏa thuận hắn trả ta 17m2, hắn được giữ lại 3m2 (chứa đầy khoáng sản quý hiếm) là ta “thắng lợi”(?!).

Nhờ có sự kiện Tajikistan mà người Việt trong nước được biết thêm chuyện “hiệp ước biên giới với Trung Quốc năm 2005, Nga cũng nhường một phần đất của mình vì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh.”

Một thực tế đã xảy ra ở Việt Nam là nhà cầm quyền Trung Quốc chưa từng cho không người dân Việt Nam cái gì hết, không có viện trợ phi chính phủ, viện trợ không hoàn lại, viện trợ cho các mục tiêu giáo dục, y tế, môi trường… như các quốc gia khác. Tất cả các dự án kinh tế Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam là những thương vụ mua bán sòng phẳng đến lạnh lùng. Nay Tajikistan nhượng 3% đất tranh chấp để đổi lấy những dự án, ai biết được bao nhiêu tiền đầu tư chảy vào túi những kẻ có quyền, người dân Tajikistan còn lại được bao nhiêu với ô nhiễm, với cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên?

Té ra, không những thôn tính vùng Tân Cương-Tây Tạng gây nên nhiều cuộc bạo động kéo dài từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền Trung Quốc còn thể hiện tinh thần tích cực bành trướng xâm chiếm đất đai của các nước láng giềng khác là Tajikistan, Kyrgyzstan và Nga.

Từ đó, có thể nhìn thấy, việc tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với Việt Nam cũng nằm trong chuỗi âm mưu thôn tính lãnh thổ lân bang, bành trướng bá quyền của Bắc Kinh. Không cần phải thông minh lắm cũng biết hành động bắt ngư dân, cướp tàu đánh cá, cướp cá, đòi tiền chuộc, vu cáo ngư dân Việt Nam xâm phạm lãnh hải… của chính quyền các huyện, tỉnh Trung Quốc không phải tự nhiên có, mà là hành động “ném đá dò đường” (thái độ của chính phủ Việt Nam) được chính quyền Trung Ương Trung Quốc “chống lưng” cho phép thực hiện. Nếu chính phủ Việt Nam tỏ ra đê hèn, khiếp nhược, sợ hãi, xun xoe bợ đỡ… Trung Quốc thì viễn cảnh Tajikistan ở Việt Nam cũng không xa.

“Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất của vua Thái Tổ để lại mà làm mồi cho giặc thì kẻ đó sẽ bị trừng trị nặng” (Vua Lê Thánh Tông-“Ðại Việt sử ký toàn thư”). Việt Nam không phải là Tajikistan, người dân Việt Nam cũng không phải là người dân Tajikistan, mà người dân Việt Nam (dù không có ai “lãnh đạo,” “chỉ đạo”) có truyền thống và cũng tự biết mình có trách nhiệm bảo vệ “một thước núi, một tấc sông của ta” không để rơi vào tay giặc ngoại bang.

Tổ tiên người Việt có câu “bán trời không văn tự” để chê bai những kẻ lọc lừa, dối trá, nhưng kẻ “bán trời” còn biết nể sợ người xung quanh nên chỉ “bán bằng mồm,” ai hỏi đến hắn sẽ chối phăng đi. Hồi xưa, “bán trời” thì không ảnh hưởng đến ai bởi thời đó chưa có việc khai thác lợi ích không phận, đường bay. Ký hiệp ước “nhượng đất” cho nước ngoài có thể gọi là công khai ngang nhiên “bán nước có văn tự,” tội lỗi với tổ tiên gấp ngàn lần “bán trời,” coi đất nước như của riêng của mình, khinh thường người dân trong nước.

Tất nhiên, nhà cầm quyền Trung Quốc luôn luôn xưng mình là “láng giềng hữu nghị” với bốn bên hàng xóm, có bao giờ thấy họ xưng là “láng giềng tham lam” với Tajikistan, Kyrgyzstan và Nga đâu, nhưng họ miệng thì nói tốt, tay thì thò ra giật đồ người ta. Bài học mất đất của Tajikistan cũng là bài học cho Việt Nam nhìn rõ bản chất tham lam của anh “láng giềng” Trung Quốc, đừng khư khư ôm lấy 16 chữ vàng (khè) mà hãy kiên quyết bảo vệ từng tấc đất, từng tấc biển biên giới, hải đảo Việt Nam.

Tạ Phong Tần

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: