Trang chủ > Ký sự pháp đình > VPLS PHÁP QUYỀN CHÍNH THỨC KHỞI KIỆN ÔNG NGUYỄN MINH LUÂN

VPLS PHÁP QUYỀN CHÍNH THỨC KHỞI KIỆN ÔNG NGUYỄN MINH LUÂN

June 23, 2008

Một danh nhân đã nói rằng: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”. Tôi nhớ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học đã khẳng khái quyết tâm khi dấn thân vào con đường cách mạng: “Không thành công cũng thành nhân”, cho dù Nguyễn Thái Học không thành công, nhưng ông vẫn xứng đáng với chữ Người. Vậy thì là con cháu của ông, hà cớ gì chúng ta lại không dám đứng thẳng để làm Người?

Ngày 19/6/2008, ông Lê Trần Luật – Trưởng Văn phòng Luật sư Pháp Quyền đã chính thức có đơn khởi kiện vụ kiện “hành vi hành chính” đối với ông Nguyễn Minh Luân – Trưởng Nhà Tạm giữ kiêm Phó CA Quận 9, đã có hành vi cản trở Luật sư tiếp xúc với bị can đang bị tạm giam trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” đến Tòa Án Nhân Dân Quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh.

Trả lời khiếu nại của Trưởng Công an Quận 9 là không có cơ sở pháp lý

Ngày 16/6/2008, ông Nguyễn Văn Thành – Trưởng Công an Quận 9 đã trả lời khiếu nại cho Văn phòng Luật sư Pháp Quyền bằng Công văn số 682/CV/CAQ(TT).

Văn phòng Luật sư Pháp Quyền không nhất trí với cách trả lời của Trưởng Công an quận 9 vì những căn cứ viện dẫn trong Công văn số 682/CV/CAQ(TT) để bao biện cho ông Nguyễn Minh Luân là hoàn toàn trái pháp luật.

Thứ 1, Nhận định về tính chất vụ án là chủ quan, tùy tiện, không có căn cứ pháp luật:

Công văn trả lời khiếu nại số 682/CV/CAQ(TT) nhận định “đây là vụ án nghiêm trọng có nhiều bị can, tính chất phức tạp và rất nhạy cảm” là nhận định chủ quan, tùy tiện, không có căn cứ pháp luật.

Các bị can trong vụ án này bị khởi tố tội gây rối trật tự công cộng, không phải các tội trong chương Xâm phạm An ninh quốc gia của BLHS; Viện kiểm sát quận 9 đã có cáo trạng số 90/KSĐT ngày 16/6/2008 quyết định truy tố các bị can theo khoản 1 Điều 245 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù.

Căn cứ khoản 3 Điều 8 BLHS quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù”.

Như vậy, lý do “vụ án nghiêm trọng” và “tính chất phức tạp”của CA quận 9 đã mâu thuẫn với Cáo trạng số 90/KSĐT ngày 16/6/2008 của Viện Kiểm sát Nhân Dân Quận 9. Tại Cáo trạng này, Viện Kiểm sát Nhân Dân Quận 9 đã quyết định truy tố các bị can theo khoản 1 Điều 245 BLHS, có khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù.

Khoản 3 Điều 8 BLHS quy định: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù”.

Rõ ràng, theo điều khoản truy tố của Cáo trạng và khoản 3 Điều 8 BLHS thì đây là vụ án tính chất ít nghiêm trọng, gây nguy hại không lớn và chẳng có gì gọi là “phức tạp”.

Trong Bộ Luật Hình SựBộ luật Tố Tụng Hình Sự không hề có cụm từ “nhạy cảm”.

Điều 3 Pháp lệnh về Tổ chức điều tra hình sự quy định nguyên tắc hoạt động điều tra như sau:

Hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, trách nhiệm của bị can nhằm phát hiện chính xác, nhanh chóng mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Mọi hoạt động điều tra phải tuân theo pháp luật, chấp hành các nguyên tắc do Bộ luật tố tụng hình sự quy định. Cơ quan điều tra cấp dưới chịu sự chỉ đạo của cơ quan điều tra cấp trên;”.

Căn cứ lý do từ chối cho Luật sư tiếp xúc với thân chủ vì “đây là vụ án nghiêm trọng có nhiều bị can, tính chất phức tạp và rất nhạy cảm” do Trưởng CA Quận 9 đưa ra thì rõ ràng cái sự “nhạy cảm” này không nằm trong quy phạm pháp luật nào cả, càng không liên quan gì đến lĩnh vực điều tra hình sự, nên không thể coi là lý do chính đáng, hợp pháp; mà chỉ có thể nói rằng CA Quận 9 đã không tuân theo pháp luật, không chấp hành các nguyên tắc do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, vi phạm quy định về nguyên tắc hoạt động điều tra tại Điều 3 Pháp Lệnh Tổ Chức Điều Tra Hình Sự .

Thứ 2, nội dung mục d điểm 2 Thông tư 08 ngày 12/11/2001 của Bộ Công an trái luật nên không có giá trị thi hành:

Thông tư này chỉ có hiệu lực trong nội bộ ngành Công an, không công khai ra bên ngoài thì chấp hành thế nào là chuyện riêng ngành Công an, người khác không có nghĩa vụ chấp hành Thông tư này; trong trường hợp này Luật sư tác nghiệp chỉ căn cứ vào quy định tại Bộ Luật Tố Tụng Hình sự và các Nghị định của Chính phủ.

Mục d điểm 2 Thông tư 08 này đã ban hành trái với Điều 58 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, quyền quyết định cho phép người bào chữa gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo theo khoản 1 Điều 58 BLTTHS là Viện trưởng VKSND chớ không phải Thủ trưởng Cơ quan điều tra hay Chánh án Tòa án, và việc hạn chế tiếp xúc chỉ giới hạn ở những trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Căn cứ Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

Văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành”. Do đó, Thông tư 08 nêu trên trái với Điều 58 BLTTHS nên không có giá trị thi hành.

Thứ 3, Ông Nguyễn Minh Luân đòi hỏi vượt thẩm quyền

Ngày 28/5/2008 các Luật sư đến gặp bị can đang bị tạm giam thì ông Nguyễn Minh Luân đòi hỏi phải có Kiểm sát viên đi kèm, chớ không hề đề nghị Luật sư trình Thẻ hành nghề hay giấy giới thiệu. Văn phòng đã có đơn khiếu nại (lần thứ 1 ngày 2/6/2008) trình bày rõ yêu cầu vô lý của ông Luân, nhưng Trưởng Công an Quận 9 không có động thái gì.

Cũng tại mục d điểm 2 Thông tư 08 nói trên đã quy định rõ: “Mọi trường hợp cho người bị tạm giữ, tạm giam gặp mặt thân nhân, Luật sư hoặc người bào chữa khác phải do Thủ trưởng cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định, trường hợp cần thiết, cơ quan đang thụ lý vụ án cử cán bộ cùng tham gia cuộc gặp”.

Thực tế Cơ quan điều tra CA quận 9 đã có bản kết luận điều tra vụ án và đã chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát quận 9 rồi, nên kể từ ngày 28/5/2008 về sau (cho đến ngày Viện Kiểm sát có cáo trạng truy tố) thì cơ quan thụ lý vụ án này là Viện Kiểm sát quận 9 nên quyền quyết định thuộc Viện Kiểm sát quận 9, xét thấy cần thiết cử cán bộ đi cùng hay không là do Viện trưởng Viện Kiểm sát quận 9, Cơ quan điều tra CA quận 9 không có quyền hạn gì trong vấn đề này. Vì vậy, đòi hỏi phải có Kiểm sát viên đi cùng của ông Luân là vượt thẩm quyền, thiếu căn cứ.

Hãy vượt lên nỗi sợ hãi “truyền kiếp” để xây dựng Nhà nước pháp quyền

Nhà nước pháp quyền là Nhà nước điều hành và quản lý xã hội bằng pháp luật và chỉ có pháp luật mà thôi. Nguyên tắc cơ bản cao nhất của Nhà nước pháp quyền là không ai được quyền vượt lên trên pháp luật.

Nhà nước pháp quyền không thể tự nhiên sinh ra, mà Nhà nước pháp quyền là thành quả văn minh mấy ngàn năm của nhân loại, là công sức, trí tuệ và cả máu của những người yêu công bằng, chân lý, nhân quyền… để xây dựng nên một giá trị xã hội tiến bộ. Muốn có Nhà nước pháp quyền, không có biện pháp nào khác là mỗi người phải biết tôn trọng pháp luật, đấu tranh mạnh mẽ với những hành vi trái pháp luật, hay lạm dụng quyền lực pháp luật để phục vụ cho những mưu đồ khác.

Đây là lần đầu tiên một Luật sư ở Việt Nam dám chính thức khởi kiện cán bộ Nhà nước có hành vi cản trở Luật sư tác nghiệp trái pháp luật.

Có ý kiến cho rằng Luật sư không nên kiện cơ quan Nhà nước vì như thế chẳng khác nào tự đập bể “nồi cơm” của mình, Cơ quan tố tụng sẽ dùng mọi thủ đoạn để “trả thù”, “gây khó khăn” trong những vụ án khác. Phải, nhận định đó chỉ đúng trong tình huống “Mãnh hổ nan địch quần hồ”; nhưng nếu tất cả mọi người đều đồng loạt dùng chiếc khiên và ngọn giáo pháp luật để tấn công thẳng vào các hành vi phi pháp luật thì sao?

Một danh nhân đã nói rằng: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”. Tôi nhớ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học đã khẳng khái quyết tâm khi dấn thân vào con đường cách mạng: “Không thành công cũng thành nhân”, cho dù Nguyễn Thái Học không thành công, nhưng ông vẫn xứng đáng với chữ Người. Vậy thì là con cháu của ông, hà cớ gì chúng ta lại không dám đứng thẳng để làm Người?

Tạ Phong Tần


Chuyên mục:Ký sự pháp đình

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: