Trang chủ > Sự kiện và Bình luận > QUỐC HỘI CHẤT VẤN CHÍNH PHỦ: TIN HAY KHÔNG???

QUỐC HỘI CHẤT VẤN CHÍNH PHỦ: TIN HAY KHÔNG???

June 01, 2008

Ông Dương Trung Quốc hỏi câu này giống như “nắm đuôi lươn”. Câu trả lời thật là “hay”, né đi trơn tuột. Quý vị có trách nhiệm, quyền hạn trong bộ máy công quyền nên “học hỏi” cách trả lời này, tức là: Những gì xảy ra trước khi ta sinh ra thì ta không biết, không cần biết, không có trách nhiệm phải biết và không có trách nhiệm áy náy lương tâm gì cả. “Quý vị học sinh” thì không cần phải biết Hùng Vương, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… là ai vì các vị này đã “cổ lổ sỉ” lắm rồi, đã sống cách ngày sinh của mình xa quá, làm sao mà biết được.

Vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh đứng ở đâu?

Toàn văn Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gồm 14 trang giấy khổ A4 size 12 (tổng số 11.349 chữ) đầy những thuật ngữ Kinh tế học và con số (kể cả số liệu của Tây, Tàu) nhảy múa lung tung, đọc đến phần giữa thì quên béng không biết phần đầu nói cái gì, đọc đến phần cuối thì hổng biết phần giữa nói cái gì, “ong ong” hết cả đầu óc mà không “hỉu” được bao nhiêu. Chắc chắn là 70% dân số địa bàn nông thôn (nông dân) và 25% dân số địa bàn thành thị (công nhân, lao động phổ thông tự do, buôn thúng bán mẹt…) cũng “ong ong” như tôi mà thôi. Còn lại 5% dân số “nhà giàu” thì chưa hẳn 5% này “hỉu” hết những con số và thuật ngữ chuyên ngành Kinh tế học rắc rối kia.

Tôi chỉ “hỉu” rõ một vấn đề là hàng rong ăn sáng, cơm bụi ăn trưa thì giá tăng mà chất lượng thì ngày càng xuống cấp trầm trọng. Sáng nay phải mua gạo lức với giá 18.000 đồng/kg, mua 1 quả dưa leo giá 2.000 đồng (nặng khoảng 200gram trở lại). Sở dĩ phải mua gạo lức vì túi tiền bị “lạm phát” nên thường xuyên phải cắt giảm “chỉ tiêu tăng trưởng” các khẩu phần cá, thịt, đường, sữa, bánh trái, v.v… nếu không ăn gạo lức sẽ bị “ngoài béo trong suy” (tức phù thủng) ngay tắp lự.

Tại báo cáo giải trình này, vẫn giương cao khẩu hiệu thực hiện đường lối của Nghị quyết Đại hội X của Đảng CSVN, đó là: “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Không hiểu trong cơn sốt tăng giá gạo vừa rồi đã đánh một đòn nặng nề vào toàn bộ dân lao động cả nước thì Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam “giữ vai trò chủ đạo”, làm “nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân” đứng ở chổ nào mà bị tư thương tròng cái thòng lọng “đầu cơ”, “nâng giá” vào cổ lôi đi sềnh sểnh?

Thủ tướng và các Bộ trưởng không có câu trả lời trực tiếp nhưng câu trả lời gián tiếp có lẽ nằm ở đây:

“Tính đến ngày 31-12-2007 có 13 tập đoàn, tổng công ty đầu tư vào các quĩ đầu tư chứng khoán và quĩ đầu tư tài chính với tổng giá trị 1.061 tỉ đồng”, “Có 19 tập đoàn, tổng công ty góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần với tổng giá trị đầu tư 4.426 tỉ đồng”, “Có 13 tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vốn thành lập 15 công ty chứng khoán với tổng giá trị đầu tư 420 tỉ đồng”, “Có 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước góp vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với tổng giá trị đầu tư 1.463 tỉ đồng”, “tổng vốn đầu tư vào ba lĩnh vực trên là 7.370 tỉ đồng”.

Dĩ nhiên, số vốn khổng lồ kia không thể tự mình luân chuyển, kinh doanh… nên 50 tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói trên phải phân công một số cán bộ làm nhiệm vụ điều hành, quản lý vốn. Nếu bình quân mỗi tập đoàn, tổng công ty có ít nhất 10 người tham gia quản lý x 50 = ít nhất 500 cán bộ hưởng lương công việc chính và các chế độ kèm theo (nhà ở, xăng, xe, điện thoại, phụ cấp khác…) từ ngân sách theo quyết định bổ nhiệm; nhưng lại đang phục vụ cho hoạt động đầu tư trái ngành nghề. Hành vi này có thể gọi là “tham nhũng”, “lạm dụng” hay không ấy nhỉ?

Nông dân sản xuất lãi hay lỗ?

Báo cáo còn khẳng định nông dân có “tỷ lệ lãi sau khi trừ chi phí đạt trên 85%”, chú thích cụ thể hơn “Mỗi kg thóc ở đồng bằng sông Cửu Long nông dân lãi khoảng 2.000 – 2.500 đồng”.

Thực tế, nông dân quê lúa Thái Bình nổi tiếng một thời nay bỏ ruộng, bỏ đất, bỏ cả quê (Vietnamnet ngày 12/2/2008), nông dân Hải Dương bỏ đất (Nhân Dân ngày 17/1/2008). Vựa lúa miền Tây cũng không hơn gì, hậu quả lúa – tôm ở đồng bằng sông Cửu Long là những cánh đồng hoang, chỉ riêng tỉnh Cà Mau có gần 7.000 ha diện tích gieo cấy lúa-tôm bị chết yểu, nông dân tỉnh Cà Mau, tỉnh Sóc Trăng bỏ đất đi làm thuê (Sở NN&PTNT Thành phố Cần Thơ). Tháng 11/2007, nông dân tỉnh An Giang lo lắng: “nếu giá phân bón không “chựng” lại thì người sản xuất nông nghiệp phải bỏ đất hoang, chứ sản xuất thì e rằng phá huề hoặc lỗ”, nay giá phân bón đã tăng “từ 41,7 – 360%”, nói theo cách của nông dân miền Tây là họ đang bị “lỗ thấu xương” rồi. (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang).

Nguyên nhân của việc bỏ đất, bỏ ruộng, bỏ quê, theo GS.Viện sĩ Đào Thế Tuấn (Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn, nguyên Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Việt Nam) là “GDP càng tăng, thu nhập của nông dân càng giảm (Vietnamnet ngày 30/3/2008). Người nông dân thì lý giải: “Chúng tôi cấy làm sao được khi mà việc tưới, tiêu úng không bảo đảm. Khi cần nước để gieo cấy lúa thì không có, hoặc phải chậm nhiều ngày; khi ngập úng thì phải mất hơn 10 ngày mới tiêu nước được. Dù có cấy, năng suất lúa cũng chỉ được vài chục cân một sào, hạch toán ra thì lỗ to. Thành ra chúng tôi đành bỏ hoang ruộng!”.

Trước đây, “người nông dân tìm thấy sức quyến rũ của khẩu hiệu thiết thực “người cày có ruộng”, và chính khát vọng về mảnh đất của riêng mình đã thôi thúc họ hăm hở làm cách mạng”. Ngày nay, “người ta đã dùng cả các lý thuyết kinh tế, thống kê để lý giải nguyên nhân của nó và có thể tóm lại bằng mấy chữ: Không có gì rẻ hơn… thóc. Làm ruộng không đủ ăn chứ chưa nói gì đến đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống cũng như tích luỹ, tái đầu tư. Hậu quả của hiện tượng này không chỉ được nhìn nhận trên bình diện chính trị, kinh tế, xã hội mà cần xem xét ở góc độ văn hoá”.

Với nông dân thời nào tấc đất cũng quý như “tấc vàng”. Người Việt ai mà không biết câu chuyện lịch sử “Máu thắm đồng Nọc Nạng” ở miền Tây Nam bộ (nay là huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), để giữ đất người nông dân sẳn sàng hy sinh cả mạng sống của mình và cả gia đình mình. Cùng cực lắm người nông dân mới chịu lìa bỏ mảnh đất của mình để tha phương cầu thực, vì khi lìa quê, họ là lớp người có địa vị thấp nhất ở chốn thị thành, phải kiếm sống bằng những công việc mà người thành thị cố cựu chê không làm. Tôi cũng muốn tin Chính phủ, nhưng trong trường hợp này tôi bắt buộc phải tin nông dân hơn, tin rằng họ sản xuất bị lỗ nặng chớ không phải lãi như Chính phủ báo cáo với Quốc Hội.

Sợ nông dân hổng thấy đường… ngủ?

Giờ giấc làm nông ở Việt Nam là sáng sớm sương còn đọng trên cây cỏ đã phải ra đồng: “Lao xao gà gáy rạng ngày/ Vai vác cái cày, tay dắt con trâu”, đến “ban trưa” thì “Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” rồi, mệt ná thở luôn. Đến chạng vạng tối (thường từ lúc 18 giờ) mới thu dọn đồ đạc trở về nhà. Lúc này mới là lúc người nông dân cần sử dụng điện (ánh sáng) để tắm rửa, giặt giũ, dùng cơm, quạt mát, giải trí, cho trẻ con học bài… đến 21 giờ là đi ngủ hết rồi, không ngủ sớm làm sao ngày mai đậy sớm đi làm nổi.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Em (Quảng Trị) thì “ông nhà đèn” cứ “đè” ngay khoảng thời gian từ 18g-21g giờ mà “cúp” điện. Đến giờ người ta đi ngủ mới cung cấp điện, có lẽ “ông nhà đèn” sợ nông dân thiếu ánh sáng thì hổng thấy đường… ngủ chăng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (Bộ Công nghiệp) thừa nhận tình hình cung cấp điện cho một số khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo Đại biểu phản ánh là đúng. Theo ý tôi thì chổ điện cung cấp sau 21 giờ đó “ông nhà đèn” nên giữ lấy mà xài luôn đi, chớ lúc đó người ta mắc ngủ rồi, ai cần điện đóm làm gì nữa.

Câu hỏi và câu trả lời “hay” nhất (?!)

Xin trích nguyên văn:

* Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh để phong tặng ba huân chương quân công cho ba đơn vị là Đội du kích Bắc Sơn, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Đội quân khởi nghĩa Nam kỳ, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành sắc lệnh về một loại huân chương quân giải phóng cho tất cả những người có công tham gia xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi biết việc này đã được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, của nhiều cơ quan có trách nhiệm như Bộ Quốc phòng, Viện Huân chương và Bộ LĐ-TB&XH, nhưng vì sao đến nay chúng ta vẫn chưa thực hiện những sắc lệnh đó?

– Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân: Thú thật là về vấn đề này khi đại biểu Dương Trung Quốc thông tin thì tôi mới biết. Tôi sẽ nghiêm túc nắm bắt thông tin này để xem bây giờ như thế nào, nằm ở đâu và trách nhiệm của ai. Đây là thông tin rất mới, lúc đó tôi chưa sinh ra nên chưa biết, xin cảm ơn đại biểu. (Tuổi Trẻ ngày 01/6/2008).

Ông Dương Trung Quốc hỏi câu này giống như “nắm đuôi lươn”. Câu trả lời thật là “hay”, né đi trơn tuột. Quý vị có trách nhiệm, quyền hạn trong bộ máy công quyền nên “học hỏi” cách trả lời này, tức là: Những gì xảy ra trước khi ta sinh ra thì ta không biết, không cần biết, không có trách nhiệm phải biết và không có trách nhiệm áy náy lương tâm gì cả. “Quý vị học sinh” thì không cần phải biết Hùng Vương, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… là ai vì các vị này đã “cổ lổ sỉ” lắm rồi, đã sống cách ngày sinh của mình xa quá, làm sao mà biết được. Thầy cô nào cho thi môn Lịch sử mà hỏi những câu tương tự như thế này về quá khứ trước ngày sinh của mình, “quý vị học sinh” nên mạnh dạn, thẳng thắn yêu cầu quý thầy cô phải nghiêm túc kiểm điểm, hãy nhìn vào cung cách bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc tại Quốc Hội (cơ quan quyền lực cao nhất nước CHXHCN Việt Nam) mà học tập, rút kinh nghiệm, đừng hỏi vớ vẩn nữa.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần mổ xẻ, bình luận, nhưng đến đây tôi xin tạm ngưng, vì không có thời gian rảnh nhiều và cũng không dám lạm bàn thêm, sợ người khác đọc xong “tẩu hỏa nhập ma” lăn đùng ra mà gặp lúc cúp điện nên đi chầu ông bà ông vải thì mình lại mắc thêm tội lỗi.

Tạ Phong Tần

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này