Trang chủ > Sự kiện và Bình luận > AI MỚI LÀ ĐỐI TƯỢNG CẦN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VN KÊU GỌI TIẾT KIỆM?

AI MỚI LÀ ĐỐI TƯỢNG CẦN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VN KÊU GỌI TIẾT KIỆM?

April 04, 2008

Rõ ràng Ngân sách phải chi ra một khoản lớn cho hoạt động của bộ máy MTTQ mà MTTQ không hoàn thành hết chức năng, nhiệm vụ của mình cho tốt, chỉ hô hào, kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí bằng lời nói vô hồn, máy móc, vừa thiếu vừa thừa. Hay là MTTQ tự mình làm gương thực hiện lời kêu gọi của chính mình bằng cách giảm biên chế một số vị thành viên MTTQ năng lực hạn chế, soạn thảo có mỗi cái lời kêu gọi cũng không xong?


Người mua lẫn người bán đều buồn. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ .

Ngày 3/4/2008, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc VN ra lời kêu gọi đồng bào cả nước chung tay khắc phục khó khăn, thực hành tiết kiệm để kiềm chế lạm phát:

Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đồng bào chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, chăm lo cho các gia đình chính sách và các hộ nghèo đặc biệt khó khăn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước” (Trích lời kêu gọi toàn dân tham gia kềm chế lạm phát của MTTQ).

Đọc đoạn văn trên của MTTQ mà tôi không sao tránh được cái cảm giác lời kêu gọi đó vô hồn, nhạt nhẽo chen lẫn sự vô lý và máy móc của nội dung; cái cảm giác MTTQ chen vào góp lời cho thêm phần xôm tụ, cho dân chúng thấy mình cũng không phải là người thừa trong cơn “bão giá”, lạm phát đang hoành hoành dữ dội làm điêu đứng toàn xã hội, chớ chẳng phải là một lời kêu gọi đích thực có tác động đi vào lòng người.

Trước tiên là đối tượng mà MTTQ kêu gọi: doanh nghiệp, đồng bào chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài. Những đối tượng này không cần ai kêu gọi họ cũng tự biết tiết kiệm, nếu không tiết kiệm thì lấy gì mà sống, thiếu thốn biết xin ai.

Hô hào doanh nghiệp tiết kiệm ư? Đối với doanh nghiệp tư nhân, điều này là không cần thiết, ngay trong tháng 12/2007, khi mà tăng giá chưa trở thành “bão” như những ngày đầu năm 2008, thì các chủ doanh nghiệp đã tự mình “tiết kiệm” bằng cách không tăng tiền cho bữa ăn công nhân, dẫn đến kết quả bữa ăn ở nhà máy càng “đạm bạc”. “Giá tăng giáng xuống bữa ăn tự nấu của người công nhân, làm cho nó mỗi ngày thêm thiếu chất trầm trọng. Tận cõi lòng, có không ít công nhân trông mong vào những ngày làm việc hoặc tăng ca tại Cty, để ít ra cũng được Cty đài thọ miễn phí bữa ăn ngay tại nhà máy, bớt đi mối bận tâm phải tự nấu ăn ở nhà trọ. Thế mà giờ đây, những bữa ăn ít ỏi tại nhà máy cũng… sơ sài, nhạt nhẽo không kém!”.

Thu nhập không tăng mà giá cả thực phẩm thì tăng vùn vụt, người dân đã tự mình “thắt lưng buộc bụng” trước khi MTTQ kêu gọi đã lâu, “Trước cơn “bão giá”, người tiêu dùng (ngoại trừ tầng lớp đại gia mới) đã hạch toán lại quỹ chi tiêu gia đình, triệt để tiết kiệm, sử dụng các loại thực phẩm rẻ tiền hơn. Ai không muốn bữa ăn có thịt, cá nhưng vì không đủ tiền nên phải ăn rau là chính” (Người Lao Động ngày 27/11/2007).

Còn những ngày cuối tháng 3/2008 thì sao? Hãy nghe báo Tuổi Trẻ nhận xét: “Giá tăng nhưng thu nhập không tăng. Thế nên, những người lao động chỉ biết tính bóp khoản chi này để bù cho khoản khác”, “Chưa tính đến chuyện học hành, nhà ở, chưa nhắc đến người còn trong diện xóa đói giảm nghèo, chuyện ba bữa ăn của những người lao động bình dân nghe mà nặng trĩu nhọc nhằn. Ba bữa ăn tươm tất, với nhiều người có thu nhập trên chuẩn nghèo, vẫn là một ước mơ”.

Lo ba bữa ăn hàng ngày còn vất vả, giật gấu vá vai, người dân làm gì có dư tiền để mà lãng phí.

Chiến sĩ lãnh lương quân đội thì cũng không dư dả tiền để mà lãng phí nên không cần phải kêu gọi tiết kiệm.

Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động bằng bầu sữa Ngân sách thì chỉ có lãnh đạo mới có quyền chi tiêu, điều hành mọi hoạt động, lãng phí hay không là do họ quyết định, cán bộ công chức, nhân viên cấp dưới làm gì có “quyền lãng phí” mà “kêu gọi”. Cho nên, ngày 26/02/1998, Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Pháp lệnh về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, ngày 29/11/2005 Quốc hội thông qua Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2006 và thay thế cho Pháp lệnh ngày 26/02/1998 nêu trên) nhưng thực tế cho đến những ngày đầu năm 2007, nhiều cơ quan vẫn dùng xe công đi chùa, Xuân 2008 các quan vẫn diễn tiếp vở “xe công đi chùa” có phần xôm tụ hơn năm cũ.

Như vậy, đối tượng để MTTQ kêu gọi tiết kiệm tra, giám sát là các quan chức chớ không phải doanh nghiệp tư nhân, chiến sĩ hay người dân.

Điều 2 Luật Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (12/6/1999) ghi rõ một trong số nhiệm vụ của MTTQ là “giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước”. Chẳng biết thời gian qua, MTTQ đã thực hiện nhiệm vụ “giám sát” của mình như thế nào mà điểm sơ qua thực tế tình trạng tham nhũng thật là kinh khủng.

Theo báo cáo của Chính phủ từ ngày 1/10/2006 đến 31/8 năm nay, các bộ ngành, địa phương rà soát và phát hiện 441 vụ việc. Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 397 vụ với hơn 1.000 bị can. Một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, điển hình như vụ Bùi Tiến Dũng và đồng bọn tham ô hơn 3 tỷ dồng trong dự án cầu Bãi Cháy- PMU18; vụ án tại Ban Điều hành Đề án 112; Vụ thủ quỹ Bưu điện Bạc Liêu tham ô hơn hơn 15 tỷ đồng; vụ một số cán bộ Văn phòng thị uỷ Vĩnh Long tham ô gần 3 tỷ đồng… Trong số 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung điều tra thì đến nay đã xử lý được 3 vụ là vụ đất đai Đồ Sơn, vụ Mạc Kim Tôn và vụ Mai Văn Dâu. Tuy nhiên, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì những kết quả đó chỉ mới dừng lại ở mức “đạt được những kết quả quan trọng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và nhiều uỷ viên thường vụ Quốc hội băn khoăn là “ai cũng hô hào chống tham nhũng, nhưng khi hỏi cơ quan, đơn vị mình thế nào thì đều khẳng định là không có. Hầu hết các vụ tham nhũng đều do báo chí phát hiện hoặc từ đơn tố giác của quần chúng nhân dân.

Chưa thấy có vụ tham nhũng nào do MTTQ phát hiện từ việc “giám sát” của mình cả.

Điều 16 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng quy định:

“1. Kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được nhận, quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật tài sản mà Nhà nước giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tài sản do các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài tặng cho”.

Rõ ràng Ngân sách phải chi ra một khoản lớn cho hoạt động của bộ máy MTTQ mà MTTQ không hoàn thành hết chức năng, nhiệm vụ của mình cho tốt, chỉ hô hào, kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí bằng lời nói vô hồn, máy móc, vừa thiếu vừa thừa. Hay là MTTQ tự mình làm gương thực hiện lời kêu gọi của chính mình bằng cách giảm biên chế một số vị thành viên MTTQ năng lực hạn chế, soạn thảo có mỗi cái lời kêu gọi cũng không xong?

Tạ Phong Tần

  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này