Trang chủ > Truyện ngắn > NƯỚC MẮT CỦA MẸ

NƯỚC MẮT CỦA MẸ

June 22, 2007

Tôi nhớ lại lời thầy giáo nói: “Hạnh phúc lớn nhất của thầy là giành lại được sự công bằng cho những người khốn khổ”. Và tôi hiểu rằng từ giờ phút này tôi đã gắn chặt với nghề, ,không phải để trả thù ông K. tham lam nọ mà vì tôi đã thật sự tìm thấy ở nghề nghiệp một niềm vui to lớn và sự hãnh diện, tự hào.

Theo lời yêu cầu của bé Nhung, CL&ST gõ lại bài viết này và post lên blog. Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 21/3/2000. Đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết ngắn “KHOẢNH KHẮC QUYẾT ĐỊNH ĐỜI TÔI” do báo Tuổi Trẻ tổ chức (Cái thời chưa có báo điện tử nó làm mình mệt làm sao ấy). Bài này hồi đó giấu kỹ lắm, chưa có cho ai đọc hết á! Thấy cái tên Vĩnh Cát mọi người cứ tưởng đó là thằng cha nào, đâu ai biết đó là Tạ Phong Tần. Ôi! Bài còn trơ đây mà tiền thì hết sạch sẽ tự thuở nào rồi! Than ôi!

Nước mắt của Mẹ

T. thân mến!

Bạn cứ thắc mắc tại sao tôi “nghệ sĩ tính” giống ba như thế mà không nối nghiệp ba. Ba má tôi đều theo kháng chiến, ba viết báo, làm thơ, dựng vở cho đoàn văn công. Đất nước thống nhất, ba má cùng tiếp tục công tác, ba lãnh đạo một cơ quan văn hóa, anh chị trong gia đình đều nối nghiệp ba. Từ nhỏ, ba là thần tượng của tôi. Đi học rồi làm việc, sáng tác như ba, đó là con đường có sẳn trước mắt mà tôi không cần phải đắn đo, suy nghĩ.

Tốt nghiệp ĐH sư phạm Sử, tôi vào làm tại cơ quan du lịch Nhà nước do chú K. lãnh đạo. Chú K. ngày trước là lính của ba tôi, nhờ ba tôi giúp đỡ chuyển vào cơ quan kinh doanh nên đời sống khấm khá hơn. Ba tôi thường nói muốn viết hay phải có thực tế, vốn sống, phải đi nhiều, quan sát nhiều, nhân vật của mình mới có tính thuyết phục, có sức sống. Vì vậy, tôi trình bày nguyện vọng muốn đi đây đi đó và được chú K. bố trí làm hướng dẫn viên.

Một hôm, tôi đưa đoàn khách nước ngoài đi tham quan nhưng có trục trặc nên quay về sớm hơn kế hoạch. Tôi định vào báo cáo nhưng biết chú K. có khách nên đành ngồi chờ ở phòng ngoài. Tình cờ, nghe giọng chú K. vang lên: “Cậu biết không, mình chả dại như lão L. suốt ngày chỉ biết nào là lý tưởng, văn chương thi phú. Giám đốc gì mà như thằng gác cổng, về hưu rách như tổ đỉa, không nhờ vợ làm ruộng nuôi thì chết đói cả cha lẫn con. Thằng con giống y lão, mình nghĩ tình ông già nó cho nó làm hướng dẫn, toàn đi với khách nước ngoài mà không có được một xu dính túi. Văn nghệ sĩ cái đếch gì, cả nhà toàn là điên chữ thì có, không chui vào sở văn hóa thông tin thì chẳng làm ở đâu được”.

Tôi đã tức giận bỏ đi. Về nhà, tôi thuyết phục ba má cho phép nghỉ làm để đi học ĐH Luật. Tôi không dám nói thật với ba má chuyện chú K., sợ ba tôi buồn vì người mà ba tôi thương và hay giúp đỡ lại phũ phàng nói cả nhà tôi là đồ dở điên dở khùng. Ba im lặng mãi mới nói: “Con cứ làm công việc gì con thích, khi người ta yêu nghề, say mê công việc thì mới có kết quả cao, mới sáng tạo được”. Trong ý nghĩ tôi lúc đó chỉ muốn chứng minh cho ông K. biết tôi có thể làm những việc khác hay ho hơn ông ta nhiều. Những năm học luật, tôi thường đến Tòa án đọc hồ sơ vụ án, tham dự phiên tòa, cùng bạn bè tổ chức những phiên tòa giả mà cứ y như thật, vừa học vừa hành đầy hứng thú. Với cái kho tư liệu vụ án phong phú ấy, bạn ạ, tôi đã nghĩ rằng sau này mình có thể trở thành nhà văn chuyên viết truyện điều tra hình sự.

Sau khi ra trường, một hôm có bà cụ đến nhờ tôi bào chữa cho con bà bị tố cáo phạm tội hiếp dâm. Trong thâm tâm tôi kinh tởm loại tội phạm ấy lắm, thà cứ trộm cắp còn dễ nghe hơn, làm sao mà bào chữa được! Nhưng bà cứ khóc mãi, bà cho biết chồng bà là liệt sĩ, bà là bà mẹ VN anh hùng, thằng con trai duy nhất của bà ngoan, hiền, chăm chỉ làm ăn, bà tin rằng con bà không có tội, đó là nỗi nhục nhã to lớn, bà có lỗi với người đã khuất. Tôi nhận lời vì nước mắt của người mẹ chứ không phải vì đứa con hư đốn ấy. Đi sâu điều tra tìm hiểu, tôi mới biết người thanh niên ấy có người yêu là một cô gái xinh đẹp, giàu có, gia đình cô chê anh nghèo nên muốn ngăn cản cuộc hôn nhân, đã tìm mọi cách làm cho cô nghi ngờ lòng chung thủy và tư cách đạo đức của anh để cô ruồng bỏ anh. Tôi phẫn uất giùm cho anh thanh niên và căm giận gia đình cô gái vì thói trọng phú khinh bần nên đặt hết tâm huyết vào chuẩn bị bài bào chữa.

Ngày Tòa án xét xử, tôi không biết mình đã ăn nói hùng hồn đến mức nào mà khi vừa dứt lời, Hội đồng xét xử nhìn tôi mĩm cười, trong phòng xử có tiếng vỗ tay từ phía người xem làm cho vị chủ tọa phải yêu cầu lập lại trật tự. Khi Tòa tuyên bố anh thanh niên vô tội, cả phòng xử như vỡ ra, hoan hô vang dội. Bà mẹ và người con trai nhào tới ôm lấy tôi khóc nấc lên, nước mắt họ ướt đẫm tay áo tôi. Họ run run nói: “Tôi không biết lấy gì để cảm ơn ông luật sư, chính ông là người sinh ra chúng tôi lần thứ hai, nếu không có lẽ chúng tôi sẽ chết vì không chịu được nhục nhã”.

Lúc đó, mắt tôi bỗng nhòe đi, sống mũi cay cay, và trong khoảnh khắc ấy, T. ơi, tôi đã cảm nhận được một niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời. Tôi nhớ lại lời thầy giáo nói: “Hạnh phúc lớn nhất của thầy là giành lại được sự công bằng cho những người khốn khổ”. Và tôi hiểu rằng từ giờ phút này tôi đã gắn chặt với nghề, ,không phải để trả thù ông K. tham lam nọ mà vì tôi đã thật sự tìm thấy ở nghề nghiệp một niềm vui to lớn và sự hãnh diện, tự hào. Bạn ơi, từ lâu rồi ông K. đã không còn chổ đứng trong trí nhớ của tôi, mà mơ ước trở thành “nhà văn chuyên viết truyện điều tra hình sự” ấy với tôi giờ đây chỉ là chuyện nhắc lại để đùa nhau.

VĨNH CÁT

(Bút danh của Tạ Phong Tần khi gởi bài dự thi)

Chuyên mục:Truyện ngắn
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: