Tân Liêu Trai Chí Dị: TRĂNG NON HUYỀN ẢO – Phần cuối
December 06, 2006
Đã đăng báo Du Lịch (cơ quan của Tổng cục Du Lịch Việt Nam) số 49 ngày 04/12/2006
Tôi ra về mà người như nửa tỉnh nửa mê. Đi ngang con đường tôi và Chiến hàng đêm vẫn đi qua, đoạn Chiến hay rẽ vào, xa xa chơ vơ vài nấm đất, bây giờ tôi mới hiểu thì ra đó là “nhà của bạn anh”. Rồi đây mỗi đêm tôi vẫn đi làm về trên con đường cũ, cũng ánh trăng non huyền ảo ấy nhưng không có Chiến, nhưng tôi không sợ. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, tôi tin rằng Chiến luôn dõi mắt theo tôi, còn tôi cũng phải sống mạnh mẽ như anh để tự bảo vệ mình.
Phần 2: (Tiếp theo và hết)
* * *
Chiến làm bạn đồng hành với tôi đã hơn ba tháng, mỗi lần trăng non mọc, ánh sáng huyền ảo, mờ tối là anh lại nghỉ phép về nhà bạn nên anh đi cùng đường với tôi. Còn những đêm rằm, trăng sáng vằng vặc như ban ngày, những đêm trăng già, Chiến bảo anh bận gác đêm. Tôi mò mò hỏi: “Sao ngộ vậy, lính mà gác đêm theo ngày có trăng”. Chiến cười nói: “Anh và thằng bạn trong đơn vị có thỏa thuận với nhau rồi, thằng bạn anh thích đứng gác dưới ánh sáng mờ mờ, ảo ảo, tối tối của trăng non”. Một đêm, trên đường về, tôi hỏi: “Ba má anh mạnh khỏe không? Nhà anh ở đâu vậy?”. “Ba chết lúc anh còn nhỏ xíu, má còn sống, đang ở với chế Chín. Nhà anh ở Ninh Quới Hồng Dân, cạnh chân cầu, vô đó hỏi nhà Sáu Son ai cũng biết. Sáu Son là tên má anh”.
Tôi làm bộ hỏi dò: “Ninh Quới là căn cứ cách mạng hồi xưa. Hôm nào chủ nhật rảnh anh dẫn em vô nhà anh chơi cho biết đi”. “Không được đâu Bé Hai à. Đơn vị anh không cho nghỉ, khi nào đi được anh cho em hay sau”. “Vậy anh dẫn em vô đơn vị anh chơi được không? Sao không thấy anh dẫn bạn anh ra nhà bác em chơi?”. “Cũng không được, thủ trưởng anh khó tánh lắm, không cho dẫn người lạ vào. Tụi bạn bè chung đơn vị với anh toàn đồ quỷ đồ ma không hà, tụi nó phá phách dữ lắm, em với hai bác chịu hổng nổi đâu”. “Thì cũng cỡ anh thôi chớ gì. Em thấy anh hiền thí mồ, có phá ai đâu”. Chiến cười hì hì: “Tại anh chưa trổ tài phá cho em biết đó, sau này em biết rồi em cũng sợ anh luôn”.
* * *
Trăng đêm nay đẹp quá, mảnh trăng cong cong như chiếc liềm con nhỏ xíu màu trắng bạc treo lơ lửng, mỏng manh ở lưng trời. Ánh trăng mờ tối, lung linh, thoắt ẩn thoắt hiện trong những đám mây trắng mỏng, gió thổi hiu hiu mát lạnh, không gian êm dịu, đẹp huyền ảo lạ lùng. Tôi và Chiến vừa đi vừa hít hơi sương ướt đẫm đọng trên lá cỏ hai bên đường, cái cảm giác thật là dễ chịu, hư hư thật thật chiếm lấy đầu óc tôi.
Chiến trầm ngâm rồi nói nhỏ: “Bé Hai à! Đơn vị anh chuyển đi chổ khác rồi. Ngày mai anh không thể gặp em nữa”. Tôi bàng hoàng: “Chuyển đi à? Vậy đi bao lâu? Chừng nào anh về?”. “Đi lâu lắm, không biết chừng nào về. Em đi làm về nhớ cẩn thận, hay là em xin chuyển sang làm ca sáng thì hơn. Làm ban đêm em rủ thêm mấy anh chị trong xí nghiệp cùng về chung đừng đi một mình, em chú ý tránh mấy thằng lưu manh trong quán cà phê đầu cầu đó. Khi nào anh về được anh sẽ ghé thăm em”. Tôi thấy mắt mình bỗng cay cay: “Anh đi với đơn vị thì em không cản được. Em chúc anh lên đường bình an, sớm trở về. Anh có thể viết thư cho em không?”. “Không được em à. Chuyến đi này làm nhiệm vụ bí mật quan trọng, không ai được viết thư, gọi điện gì hết, em thông cảm cho anh vậy. Em có rảnh thì vô nhà thăm má anh dùm”. Lần đầu tiên Chiến nắm chặt tay tôi trong bàn tay anh, bàn tay Chiến sao ướt và lạnh quá: “Thôi anh đi nghen em”.
* * *
Hai cái Tết qua rồi tôi không gặp Chiến, không thư từ, không tin tức. Không biết anh có bình an, mạnh khỏe, có hoàn thành tốt nhiệm vụ bí mật kia hay không. Lòng tôi bối rối, nóng như lửa đốt. Mua một trái sầu riêng, chục xoài cát Hòa Lộc thật ngon, tôi quyết định đi một chuyến vô Ninh Quới để tìm nhà Chiến.
“Cô hỏi nhà bà Sáu Son ở đầu cầu hả? Tui biết, để tui dẫn cô đi. Nhà mới dời xích vô mé trong vì đất bờ sông bị lỡ”. Một bà thím đon đả dẫn tôi đi.
Trước mặt tôi là căn nhà cây lợp lá dừa nước khang trang, mát mẻ, quanh nhà trồng nhiều dừa và mận, ổi. Bà thím lên tiếng: “Chín Kháng ơi, có người kiếm nè”.
Trong nhà, một phụ nữ tuổi ngoài năm mươi mặc bộ đồ vải bông giản dị đi ra. Cũng khuôn mặt hơi vuông vuông, đôi mắt sáng, đôi mày đậm nằm ngang, cái đầu mũi hơi bự… giống y như Chiến. Tôi thầm nghĩ: giống quá, bà này chắc là má của Chiến đây.
Bà thím giới thiệu: “Đây là bà Chín Kháng, con bác Sáu Son. Chín Kháng ơi, cô này kiếm Mười Chiến nè”. Tôi cúi đầu: “Dạ thưa dì Chín con mới tới”. Bà Chín Kháng tỏ vẻ ngạc nhiên: “Cô kiếm Mười Chiến hả? Cô là gì của Mười Chiến vậy?”. “Dạ, con là bạn Mười Chiến. Ảnh chỉ nhà cho con vô đây thăm má ảnh”. Bà Chín Kháng kêu lên: “Bạn Mười Chiến, sao lạ vậy cà? Nhìn cô tui thấy nhỏ xíu hà, làm sao mà bạn được. Chắc cô có chuyện khó nói phải không? Vô nhà đi rồi tính”.
Bà thím dẫn đường thấy tôi lựng xựng nên cũng từ giã đi về trước. Tôi riu ríu theo bà Chín Kháng vô nhà. Bà Chín mời tôi ngồi ở nhà trước, rót nước cho tôi uống rồi nói: “Tui là chị ruột Mười Chiến, tui thứ Chín, nó thứ Mười. Có phải cô vô đây nhìn bà con?”. Tôi ngạc nhiên quá, nãy giờ không hiểu chút chi hết. Tôi là bạn Mười Chiến thì có gì lạ mà bà ngạc nhiên, rồi bà lại nghi tôi đi nhìn bà con với bà. Ừ, mà sao Mười Chiến trẻ tuổi vậy còn chị thứ Chín của anh sao già cốc đế, tuổi tác cách nhau xa quá. Tôi nhỏ nhẹ: “Thưa dì Chín, con là bạn anh Chiến, quen ảnh hai năm trước, lâu quá không thấy thư từ, tin tức gì nên đi hỏi thăm chớ con không có đi vô đây nhìn bà con”. Bà Chín Kháng lắc đầu: “Bạn Mười Chiến, không lý nào như vậy, cô là bạn Mười Chiến hay má cô là bạn Mười Chiến? Nhà này chỉ có một Mười Chiến thôi, nhưng nó hy sinh năm 1974 ở gần Cầu Sập rồi. Nó đó”.
Tôi nhìn theo tay bà Chín chỉ. Bên dưới tấm bằng Tổ Quốc Ghi Công là ảnh chân dung đen trắng một thanh niên tuổi ngoài hai mươi mặc áo sơ mi sọc ca rô, đội mũ tai bèo đang nhoẻn miệng cười rất tươi. Ảnh trên bàn thờ là Mười Chiến không sai. Anh đang cười với tôi, đôi mắt sáng của anh đang nhìn vào tôi. Tôi kêu lên: “Trời ơi! Không thể nào!”. Mặt mày tôi choáng váng, say sẩm, tôi muốn té xuống đất. Bà Chín Kháng chụp vai tôi giữ lại: “Cô sao vậy? Có gì nói cho tui nghe. Ba má cô là gì với Mười Chiến vậy? Lúc Mười Chiến hy sinh vẫn chưa có vợ con gì, gia đình tui cứ trông có ai đó xưng con, vợ, cháu gì đó của thằng Mười lại nhìn bà con mà trông hoài hổng thấy. Má tui già lẫn rồi, bả không nhớ thằng Chiến hy sinh mà cứ nói nó đi theo đơn vị sao lâu quá không về thăm má”.
Tôi nghe bà Chín nói mà cảm thấy lạnh xương sống. Khi tìm đến đây tôi chỉ có mục đích duy nhất là “thăm má dùm anh”, vậy mà… Tôi nhìn lên bàn thờ, không biết gọi người trong ảnh bằng bác hay anh. Nếu tôi nói tôi đã từng gặp, đã từng trò chuyện, đã từng đi bộ nhiều đêm với Mười Chiến liệu có ai tin tôi không? Hay người ta sẽ cho rằng tôi là một con nhỏ điên? Bây giờ tôi mới hiểu vì sao bàn tay Chiến lạnh và ướt, vì sao Chiến hay đội mũ tai bèo, hay mang dép râu, và chỉ đi bộ chớ không đi xe như người thường. Sau khi suy nghĩ, tôi quyết định không nên nói thật. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh và nói với bà Chín: “Xin lỗi dì, con vô lộn nhà. Nhưng đã vào đây rồi, con cũng muốn xin thắp nén nhang trên bàn thờ”. Bà Chín buồn buồn: “Được mà, để tui lấy nhang cho cô”.
Tôi sắp dĩa xoài lên bàn thờ. Cầm nén nhang cháy đỏ trong tay, nâng lên ngang trán tôi lầm rầm khấn: “Em biết tại sao anh không cho em viết thư, không cho gọi điện rồi. Dù anh là ai đi nữa thì anh cũng là người em kính trọng, anh rất tốt, trong lòng em anh trẻ mãi không già, cám ơn anh đã bảo vệ em. Hương hồn anh có linh thiêng hãy nhận tấm lòng thành của em. Cầu mong anh được siêu thoát”. Người thanh niên trong ảnh vẫn cười, ánh mắt vẫn lấp lánh nhìn tôi. Tôi có cảm giác, Chiến đang ở đâu đó trong nhà len lén nhìn tôi. Tôi hỏi: “Bà bác Sáu đâu rồi dì Chín?”. “Chế Tám tui mới qua rước má qua nhà bả chơi rồi”. Tôi từ giã bà Chín: “Con biếu bà bác trái sầu riêng này ăn lấy thảo, con về nghen dì Chín”. Bà Chín Kháng cầm tay tôi đi ân cần dặn đi dặn lại: “Lúc nào rảnh nhớ ghé nhà dì Chín chơi nghen”.
Tôi ra về mà người như nửa tỉnh nửa mê. Đi ngang con đường tôi và Chiến hàng đêm vẫn đi qua, đoạn Chiến hay rẽ vào, xa xa chơ vơ vài nấm đất, bây giờ tôi mới hiểu thì ra đó là “nhà của bạn anh”. Rồi đây mỗi đêm tôi vẫn đi làm về trên con đường cũ, cũng ánh trăng non huyền ảo ấy nhưng không có Chiến, nhưng tôi không sợ. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”, tôi tin rằng Chiến luôn dõi mắt theo tôi, còn tôi cũng phải sống mạnh mẽ như anh để tự bảo vệ mình.
Tạ Phong Tần
_________________
Nhận xét của tác giả:
Mô Phật! Lần này thì đăng nguyên văn 100% rồi.