Trang chủ > Truyện ngắn > Tân Liêu Trai Chí Dị: TRĂNG NON HUYỀN ẢO – Phần 1

Tân Liêu Trai Chí Dị: TRĂNG NON HUYỀN ẢO – Phần 1

Báo Du Lịch (Cơ quan của Tổng cục Du lịch Việt Nam) đăng trong số 48 ngày 27/11/2006

Trăng non lơ lửng trên đầu tỏa ánh sáng mờ mờ, mát mẽ dễ chịu làm sao. Tiếng huyên náo, ồn ào xa dần sau lưng, tôi cắm đầu bước nhanh về nhà. Sau lưng tôi có tiếng đàn ông nói nhỏ:

– Cô gì ơi, đi đâu đêm hôm khuya lơ khuya lắt một mình vậy?

Phần 1:

Nhà tôi ở tuốt trong xóm dưới một xã nông thôn heo hút, cách đường lộ xe mấy chục cây số. Chúng tôi quanh năm chỉ quẩn quanh ra vô trong xóm, mỗi năm vài lần ra chợ huyện sắm đồ. Tôi vừa học xong lớp 11 thì ba tôi bạo bệnh qua đời. Má làm ruộng, trồng rau cải buôn bán không đủ tiền cho hai chị em tôi đi học. Thằng em định nghỉ học đi làm thợ hồ. Má không cho, khóc nói: “Ba mày hồi còn sống nói nó học giỏi, phải ráng lên Đại học để làm kỹ sư canh nông”. Vậy là tôi nghỉ học đi làm phụ giúp má nuôi em.

Vợ chồng bác tôi ở Cầu Sập, gần nhà máy tôm đông lạnh, bác xin cho tôi vào làm công nhân nhà máy được ba tháng nay. Hai anh con bác đều đi làm trên Sài Gòn, lâu lâu mới về thăm nhà, ở nhà chỉ còn đôi vợ chồng già ra vô bầu bạn với nhau, nay có thêm tôi, bác nói “đỡ hiu quạnh quá chừng”. Mỗi ngày, sau giờ tan ca, tôi đi bộ về nhà. Bác gái thường đợi cửa chờ tôi. “Bác mày mới uống trà, còn nước sôi trong ấm đó, nấu mì tôm ăn đi rồi đi ngủ”. Tôi không biết có phải khuya nào bác tôi cũng uống trà vì thích trà, hay bác uống trà vì muốn bác gái nấu nước sôi để tôi có cái mà ăn mì. Trong khi tôi ăn, bác gái lại nói rù rì: “Nhà mình ở ngoài thị xã, ban đêm đường lộ không có đèn, tan ca con phải đi cho lẹ về nhà, đừng nói chuyện với người lạ dọc đường nghen”. Tôi vừa ăn vừa trả lời: “Dạ, con biết”. Bác tôi lại tiếp: “Thời buổi này xe cộ nó chạy ẩu lắm. Ban đêm không có Cảnh sát giao thông nó còn ẩu dữ hơn. Đi nhanh nhưng phải nhìn đường, để ý tránh nó nghe con”. Tôi nghe bác gái dặn dò mà mắc cười nhưng không dám nói, bác tôi lo xa. Nhà bác tôi cặp đường quốc lộ nhưng thuộc vùng nông thôn, nhà cửa thưa thớt, đồng trống mênh mông, từ nhà máy về nhà giờ này ngoài những chuyến xe khách, xe tải chạy đêm lướt nhanh ù ù thì có ai lang thang ở ngoài đường mà sợ người ta bắt chuyện làm quen. Tôi ăn hết mì, rửa tô rồi chui vào buồng trùm mền ngủ ngon lành.

* * *

12 giờ đêm. Tiếng chuông reo giòn giã báo hiệu tan ca vang lên, nữ công nhân trẻ của xưởng phân cỡ tôm đông lạnh lũ lượt ra về. Không khí bên ngoài lành lạnh, ướt đẫm hơi sương, nhưng họ không quan tâm, trong phân xưởng nhiệt độ còn thấp hơn thế nữa. Các cô vội vã ra bãi xe trong nhà máy lấy xe đạp rồi túa ra cổng. Một số cô thuê nhà trọ ở gần nhà máy thì thong thả đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện ríu rít. Cũng có cô im lặng rảo những bước thật nhanh, giờ này bụng cũng “đánh trống” lắm rồi, mau về còn “làm” thêm tô mì gói rồi ngủ cho lại sức.

Trăng non lơ lửng trên đầu tỏa ánh sáng mờ mờ, mát mẽ dễ chịu làm sao. Tiếng huyên náo, ồn ào xa dần sau lưng, tôi cắm đầu bước nhanh về nhà. Sau lưng tôi có tiếng đàn ông nói nhỏ:

– Cô gì ơi, đi đâu đêm hôm khuya lơ khuya lắt một mình vậy?

Tôi giật mình, cảm thấy mọc ốc khắp người, trong bụng nghĩ thật nhanh: “Thằng cha nào giờ này còn ở ngoài đường, hổng biết có phải tụi cướp giật không, mình để nó biết mình sợ thì chết, nó rượt chạy không kịp”. Cố làm mặt tĩnh bơ như không có gì, tôi quay qua và yên tâm trở lại khi thấy một thanh niên người tầm thước trung bình, khoảng hơn hai mươi tuổi, mặc quần áo bộ đội đã cũ, vai mang một cái túi vải màu xanh, chân mang dép râu, đầu đội nón tai bèo, tóc cắt cao, nước da ngăm đen, khuôn mặt vuông vuông, đầu mũi hơi lớn, mắt sáng, mày đậm nằm ngang, môi hơi dày. Thời buổi này mà có người còn đội nón tai bèo, mang dép râu, đeo túi vải. Nhìn tướng tá hơi quê quê nhưng không có vẻ gì là “gian tà” mà lại rất đàng hoàng, chính chắn. Anh ta nói tiếp: “Tui đóng quân ở Hưng Hội, bữa nay nghỉ phép về nhà thằng bạn ở gần đây chơi cho vui”.

Thấy mặt anh ta cũng hiền lành, lời nói, cử chỉ không có gì “khả nghi” nên tôi trả lời: “Tui làm ở nhà máy về. Hưng Hội về đây cũng xa lắm, sao anh không đi xe mà đi bộ?”. Anh ta cười: “Tui làm gì có xe mà đi. Mà tui đi bộ quen rồi, mỗi lần hành quân mang vác nhiều thứ, lội ngoài ruộng vậy chớ tui cũng đi mười mấy cây số ào ào hà. Mà nhà cô ở đâu vậy?”. Tôi cảnh giác, không biết bụng dạ người ta ra làm sao nên thèm chỉ nhà, rủi anh ta biết đường về còn xa rồi có ý đồ xấu thì sao nên nói: “Gần đây thôi, đi mấy bước nữa là tới. Vợ chồng bác tui đang chờ cửa, thấy tui về trễ là hai ông bà đi kiếm liền”. Anh ta cười thật tươi: “Vậy ha! Vậy là tốt quá, tui cũng thấy cô đi một mình qua đây như vầy hoài nguy hiểm lắm”. Tôi ngạc nhiên: “Sao anh anh biết tui đi một mình ngang đây hoài? Anh nói anh ở Hưng Hội mà?”. “- Ừ, thì… thì… tui đi đi về về đường này hoài nên tui biết. Hồi nãy cô cũng nói cô làm nhà máy đó, làm nhà máy thì phải đi thường chớ”. “Ừ hé, vậy mà tui nghĩ hổng ra, tưởng “quân đội” theo dõi tui”.

Anh ta lại nhe răng cười, nói tiếp: “Tui tên Chiến, thường kêu là Mười Chiến. Tui hai mươi hai tuổi, theo bộ đội từ năm tui mười sáu tuổi cho tới bây giờ. Còn cô tên gì? Nhìn cô chắc nhỏ tuổi hơn tui, tui không có em gái, cô chịu làm em gái tui hôn?”. Đã sống trong quân đội bảy năm, hèn gì trông anh ta trẻ măng mà điệu bộ, cách nói năng lại ra vẻ từng trải, tự tin. Tôi cười: “Em tên Bé Hai, mười tám tuổi. Tuổi anh thì đáng làm anh rồi, nhưng chuyện làm em gái thì để từ từ rồi tính, sợ anh có nhiều em gái quá lo không xuể”.

Nhà bác tôi đang sáng đèn, ánh sáng trắng đèn neon hắt ra đường rõ cả khoảng sân. Còn khoảng hai mươi mét nữa đến nhà, Chiến nói: “Anh phải quẹo vô đây, nhà bạn anh ở trong này. Em đi về cẩn thận nghe. Tối mai gặp lại”.

Chiến rẽ ngang, giơ tay vẫy tôi rồi đi thật nhanh và mất hút vào bóng tối. Tôi vừa đi vừa nghĩ, Chiến cũng hay hay, nói chuyện với anh ta vui thật, tới nhà hồi nào không biết.

* * *

Tôi vừa ra khỏi cổng nhà máy khoảng năm mươi mét đã thấy Chiến đứng chờ bên đường tôi từ lúc nào. Vẫn bộ quần áo bộ đội cũ, đôi dép râu và cái nón tai bèo.

Anh hỏi: “Bữa nay làm mệt không Bé Hai? Anh đi ngang đây, nghe tiếng chuông reo biết em sắp ra nên đứng lại chờ”. “Anh Chiến cũng về nhà bạn nữa hả? Sao bữa nào anh cũng đi khuya vậy?”. “Thì đầu hôm hết ca gác xong mới đi được. Ban ngày còn phải đi hành quân nữa, đánh liên tục, mệt nhưng vui lắm”. “Ủa, đánh ở đâu vậy? Sao em không nghe trên đài phát thanh nói?”. “Ơ… ơ… Đánh trận giả đó mà, dợt hoài cho quen, đến khi đánh thiệt khỏi bị lọng cọng”. “Mấy anh siêng thiệt đó nghe, hòa bình lâu rồi mà cứ tập luyện như hồi xưa”. “Em biết chuyện hồi xưa à?”. “Em đọc thấy trong sách nói như vậy đó. Ờ, anh Chiến nè, thấy anh ngộ thiệt đó nghe”. “Ngộ làm sao nói nghe coi?”. “Em thấy bộ đội bây giờ không ai mang dép râu, đội nón tai bèo hết, mà người ta đội nón có cái vành cứng cứng tròn tròn cao cao bự bự, gắn ngôi sao vàng phía trước, đi giày đế cao su cột dây đẹp lắm”. Chiến cười thật tươi: “Trời ơi, mấy thứ đó anh xài không vô. Cái nón đó nó cứng ngắc, bí hơi, đội nóng đầu lắm, cũng không xếp lại bỏ vô túi quần hay ba lô được, đi đâu nó cũng vướng víu một đống sù sụ. Nón này anh Hai anh may cho anh. Còn ba cái giày cao su cột dây đó tụi anh lượm chiến lợi phẩm thiếu gì, anh cho người ta hết. Mình là nông dân, đi chân không lội ruộng quen rồi, chưn mình vừa bự vừa nhiều chai lắm không quen mang giày. Giày đó xuống nước thì ướt nhẹp, đọng một đống nước trong đó, mang nóng mà lại bị nước ăn chân nữa. Mang dép râu vầy chạy lẹ, khô ráo, mát chân”. “Anh nói đúng lắm, nhưng không sợ người ta chê anh “nhà quê” sao?”. “ “Nhà quê” thì có sao đâu? Mình cũng là “nhà quê” thiệt mà. Trong đơn vị anh thằng nào cũng mặc đồ, đội nón, mang dép như vầy hết. Thôi, tới chổ bạn anh rồi, anh đi trước nghe em”….

* * *

Lúc này, ai cũng bảo tôi vui vẻ, làm việc hăng sai hơn trước. Tôi cũng thấy như vậy, tôi làm suốt ca không biết mệt, tôi cũng không xin đổi sang làm ca ngày nữa. Bây giờ tôi có Chiến làm bạn trên đường về thì không sợ bóng đêm. Mỗi ngày tôi lại mong đến giờ đi làm, rồi mong mau hết giờ để được gặp Chiến. Có lần, mới chín giờ tối, nhà máy hết nguyên liệu nên cho công nhân nghỉ sớm, tôi đi bộ về mà không có Chiến đi cùng. Đi ngang qua quán cà phê ở chân cầu, tôi thoáng nghe tiếng hai thanh niên trong quán nói với nhau: “Ê! Con nhỏ đó cái mặt nhà quê quá, công nhân nhà máy đông lạnh đi làm về một mình, tao với mày đi theo mần thử coi”. Giọng khác nói: “Thôi mày, tao thấy khuya nào cũng có một thằng mặc đồ bộ đội đưa nó về. Thằng đó cũng cái mặt nhà quê nhưng tướng nó coi bộ dữ dằn, gan lì lắm. Đụng tới thằng đó coi chừng nó vặt lông, mần thịt tao với mày ngọt xớt khỏi cần trụng nước sôi à”.

Tôi nghe vừa mắc cười vừa tự hào, kể ra quen biết với Chiến chỉ có lợi chớ không có hại gì, bác tôi cứ lo xa dặn dò con gái con đứa gặp người lạ ngoài đường ban đêm không nên bắt chuyện.

Tạ Phong Tần

_________

Phần 2 : Xin xem ở số báo Du Lịch tuần tới

Nhận xét của tác giả :

Truyện đăng nguyên văn 100% theo bản thảo, nhưng có chổ chưa hài lòng do người biên tập không hiểu phương ngữ Nam bộ, thành ra sửa lời thoại nhân vật từ người miền Nam thành người miền Bắc làm cho nhân vật trở thành “ba rọi” (nửa nạc nửa mỡ).

Nguyên văn tôi viết “Nón này chế Hai anh may cho anh”, bị sửa lại thành “Nón này anh Hai anh may cho anh”. “chế” tức là chị, “hia” là anh theo cách nói của người Hoa, dân ở đây nói trộn lẫn đại từ nhân xưng của ba dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Từ “chưn” bị sửa thành “chân”. “Chưn”, “cẳng” tức là cái chân, ở đây không ai xài từ “chân” khi nói chuyện với nhau mà người ta dùng từ “chưn”, từ “chân” chỉ dùng trong văn viết để mô tả, không dùng trong đối thoại. Tương tự, từ “nhổ lông” bị sửa thành “vặt lông”.

Chuyên mục:Truyện ngắn
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: