Trang chủ > Tản mạn > NƠI BÌNH YÊN TRONG BÃO DỮ

NƠI BÌNH YÊN TRONG BÃO DỮ

December 05, 2006

Người dân Bạc Liêu may mắn được sống ở vùng đất hiền hòa, nhưng sẽ không quên những đồng bào kém may mắn hơn mình. Cũng như những lần trước, trong những ngày tới, người dân Bạc Liêu lại cùng nhau nhường cơm sẻ áo cho những số phận bơ vơ, côi cút, mất tài sản, mất người thân.

Bạc Liêu là vùng đất trẻ khai mở vào cuối thế kỷ XVII, thị xã Bạc Liêu được xây dựng nằm bên bờ kênh xáng Bạc Liêu, cách biển Đông khoảng 10 km. Tỉnh Bạc Liêu vốn là xứ sản sinh ra nhiều đại điền chủ Nam kỳ lục tỉnh giàu có nhất nhì nước ta thời bấy giờ, nên đến nay vẫn còn nhiều kiến trúc, biệt thự cổ kiểu Tây của những đại điền chủ đó, tạo cho thị xã Bạc Liêu một dấu ấn riêng về kiến trúc xa xưa. Điểm đặc biệt của vùng đất Bạc Liêu là các huyện có hệ thống kênh rạch chằng chịt, giao thông chủ yếu bằng đường thủy, dọc hai bờ kênh cây dừa nước trải dài ngút ngàn tầm mắt làm hấp dẫn du khách bốn phương.

Bạc Liêu có những cánh đồng lúa bát ngát mênh mông, trông xa như bàn cờ, cò bay thẳng cánh. Đặc biệt vùng đất ven biển được phù sa bồi đắp mỗi năm một lấn ra biển Đông. Bạc Liêu được thiên nhiên ưu đãi nên thời tiết mưa thuận gió hòa, ít bị thiên tai lũ lụt nên đất giồng ven biển sản sinh nhiều loại cây trái ngon lành, thơm mát, ít nơi nào sánh kịp, hải sản thì nhiều vô số kể.

Lịch sử vùng đất Bạc Liêu mấy trăm năm nay chưa hề ghi đậm dấu ấn thiên tai, bão lụt. Duy nhất năm Giáp Thìn (1904) ở miền Nam xảy ra trận lũ lụt lớn chưa từng thấy, khi ấy tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long từ Long An đến Bến Tre, Sóc Trăng, nước lũ dâng cao 5-7 mét, cuốn trôi tất cả như cơn đại hồng thủy, vậy mà tỉnh Bạc Liêu cũng chỉ có vài trận mưa to gió lớn một chút chớ không có thiệt hại gì đáng kể.

Tháng 9 năm 1997, con bão số 5 (Linda) tràn xuống khu vực miền Nam, làm thiệt hại rất nhiều người và tài sản, nhưng bão số 5 cũng “né” Bạc Liêu mà đi thẳng xuống Cà Mau. Thiên hạ đồn rằng: “Bạc Liêu không bị bão là có Bà Nam Hải (Phật Bà) đẩy bão trở ra biển”. Từ đó, người ta thi nhau đến thắp nhang vái lạy Bà, người cầu xin mạnh khỏe, mau hết bệnh, kẻ cầu xin mua may bán đắt, trúng số, v.v… Vào tháng Giêng hằng năm lượng khách thập phương các tỉnh đổ về Bạc Liêu “Vía Bà” đông như trẩy hội. Khi cầu bê-tông ấp Nhà Mát chưa làm xong, muốn đến chổ tượng Bà phải qua đò, giá 500đ/lượt người, được biết ông chủ đò nộp (theo giá khoán gọn) cho UBND phường Nhà Mát 10 triệu đồng, đủ thấy con số người qua đò “Vía Bà” lớn biết chừng nào.

Câu chuyện “Bà đẩy bão ra biển” được thêu dệt ly kỳ như một huyền thoại. Thật ra bức tượng Phật Bà Nam Hải này do Bác sĩ Nguyễn Tú Vinh (là người giàu thuộc hàng nhất nhì Bạc Liêu lúc bấy giờ) dựng lên thuở biển Nhà Mát còn hoang sơ và chưa có tên. Ông Nguyễn Tú Vinh cũng là người xây Bệnh viện tư quy mô lớn nhất Bạc Liêu và tự mình làm Giám đốc. Ông còn cho thợ xây một căn nhà kiểu nhà thủy tạ trên mặt nước biển làm nơi hóng gió, xa hơn nữa ông cho dựng một bức tượng Phật Bà Quân Âm cao 8 mét đứng quay mặt ra biển Đông để tìm sự thanh thản trong tâm hồn những lúc nghỉ ngơi. Ngoài giờ làm việc, ông Vinh cùng gia đình ra hóng gió trên căn nhà thủy tạ ấy (nên gọi là nhà mát). Lâu ngày, bờ biển cứ bồi ra thêm mãi, căn nhà và pho tượng Phật lúc mới dựng nằm trên sóng biển thì đã trở thành nằm trên đất liền. Sau ngày 30/4/1975, chính quyền Cách mạng tiếp quản Bệnh viện tư của ông Vinh (nay là Cửa hàng Bách hóa của Công ty Thương nghiệp Bạc Liêu), còn ông Vinh sang Pháp sinh sống, nghe nói ông mới mất cách đây 3 năm. Bây giờ, vùng đất ven biển hoang vu ngày ấy nay đông ken dân chúng đến làm ăn, buôn bán, hình thành những xóm, ấp mới nhưng vẫn giữ cái tên gọi cũ theo thói quen nên trên giấy tờ hành chính vẫn là ấp Nhà Mát, phường Nhà Mát. Người ta cũng quên chủ nhân bức tượng dựng tượng lên nhằm mục đích gì mà cứ gọi đó là “Phật Bà Nam Hải”. Vì vậy, khi chân tượng bị bồi lắng xa tít bờ biển mấy trăm mét, người dân bèn cưa chân bệ tượng và xây một bệ tượng mới đồ sộ hơn sát mé biển để dời tượng ra. Do phù sa bồi lắng, không bao lâu, tượng Bà lại trở thành đứng trong đất liền, hiện nay chân tượng cách mé biển khoảng vài trăm mét.

Thật ra do đặc điểm địa lý nên vùng đất này không bị lũ lụt từ thời khai hoang lập ấp, chớ nào phải là do “Bà đỡ” hay “Bà độ”, vì tuổi của “tượng Bà” còn nhỏ hơn tuổi ông Nguyễn Tú Vinh cơ mà. Nhưng người ta cứ tin, cứ lạy, có thể coi như đó là một liệu pháp tâm lý để cầu sự an tâm.

Ngày 5/12/2006, tin dự báo thời tiết bão số 9 sẽ tràn vào khu vực Nam bộ và đổ bộ vào Bạc Liêu lúc 16 giờ. Ai cũng nháo nhào lo phòng chống bão. 6 giờ sáng, trời nhiều mây, nhiệt độ hạ xuống còn 30 0 . Ngoài đường người ta vẫn đi đứng bình thường, tuy nhiên, để phòng xa, chính quyền tỉnh đã cho phép học sinh các trường được nghỉ học và di dời bà con ngư dân sống ở dọc đê Biên Phòng vào khu vực trung tâm thị xã. 8 giờ 30’ lác đác mưa đến 9 giờ thì tạnh. 15 giờ mưa rớt hột không đủ thấm ướt mặt đường nhựa vốn quá nóng cả tháng nay. 16 giờ, bản tin thời tiết cho hay rằng do Bạc Liêu “tổ chức đón tiếp” không chu đáo nên bão “giận” không thèm “ghé thăm” Bạc Liêu mà đi thẳng xuống Cà Mau.

Theo thông tin mới nhất từ Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Lụt Bão T.Ư và các PV TTXVN, TT, tính đến 18 giờ, bão số 9 đã làm ít nhất50 người chết và55 người mất tích, trong đó Bà Rịa Vũng Tàu28 người chết; Bến Tre 19 người, Bình Thuận 2 người; Vĩnh Long 4 người và Tiền Giang 2 ngườichết. Đau thương, tang tóc bao trùm.

Người dân Bạc Liêu may mắn được sống ở vùng đất hiền hòa, nhưng sẽ không quên những đồng bào kém may mắn hơn mình. Cũng như những lần trước, trong những ngày tới, người dân Bạc Liêu lại cùng nhau nhường cơm sẻ áo cho những số phận bơ vơ, côi cút, mất tài sản, mất người thân.

Tạ Phong Tần

Chuyên mục:Tản mạn
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

%d người thích bài này: