Trang chủ > Cổ học tinh ma > “NGHỆ THỰC” DỤNG “BIA” ĐỠ “ĐẠN”

“NGHỆ THỰC” DỤNG “BIA” ĐỠ “ĐẠN”

April 03, 2007

Quan vốn là người mưu mẹo, xảo quyệt và thâm độc, muốn làm chuyện phi pháp nhưng không tự mình làm mà chuyên “chỉ đạo từ xa”, xúi giục người khác làm. Vì những việc quan muốn làm không được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào của nước Vờ nên quan phải cố công dùng chiêu bài “bầy đàn” để lấy số đông đè số ít. Mục đích của quan là nếu có chuyện gì xảy ra, “bề trên” không bao che khỏa lấp được thì quan đổ thừa cho cái bia “tập thể” và người được phân công đứng cầm cái bia “tập thể” ấy chịu trận thay mình, còn bản thân quan thì vô sự với câu thần chú “do cấp dưới đề nghị, bổn quan thiếu kiểm tra, sâu sát”, bất quá quan chỉ bị “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” là cùng, còn bọn “làm bia đỡ đạn” kia thì lãnh đủ, tha hồ “giơ đầu chịu báng”.

Trước hết, xin khẳng định ngay từ đầu khái niệm “bia” được đề cập trong câu chuyện này là đồ vật cụ thể, có hình dáng cố định, trọng lượng cố định, bề mặt cố định và không phải là thực phẩm; nó khác với “bia” là loại nước giải khát có gas pha 5 0 cồn mà quý trang nam tử thường nốc ừng ực vào mỗi buổi chiều tan sở. Càng khác xa với loại “bia” không hình, không dạng, không cố định cụ thể, lúc bình thường không thấy được, nhưng khi “lâm trận” thì sờ mó được là “bia ôm”.

Có nhiều loại bia: dùng ghi công đức (bia kỷ niệm, bia truyền thống, bia văn), dùng để tưởng nhớ, ghi nhớ người thân (bia mộ), dùng để đề cao giá trị tinh thần (bia Tiến sĩ), dùng để luyện tập kỹ thuật chiến đấu (bia bắn), v.v… Tuy nhiều chủng loại khác nhau, nhưng các loại bia này đều có đặc điểm chung là: hình dạng cố định, mặt bằng phẳng, cứng và sẳn sàng giơ mặt ra cho thiên hạ bốn bên tha hồ đục, khắc, chạm, trổ, bắn bùm bụp vào mặt một cách vô tư. Thế nên dân gian mới có câu: “Làm bia đỡ đạn”. Vì thế, bộ mặt bia thì tơi tả do bị các bên bắn loạn xạ vào, cá nhân bia chẳng được lợi lộc gì, còn kẻ lợi dụng công dụng của bia thì đều thu lợi.

Sở dĩ phải giới thiệu dài dòng về “bia” vì có một vị quan nọ ở phủ Bờ rất thích “bia”, đặc biệt là “bia đỡ đạn”. Quan rắp tâm lợi dụng quyền lực kéo bè kết cánh trù úm người khác một cách phi pháp. Quan cũng thừa sức biết rõ tỏng tòng tong hành vi của mình là xấu xa, bỉ ổi và vô pháp vô thiên nhưng tin tưởng tuyệt đối vào sự bao che của “bề trên” nên quan vẫn cứ làm càn. “Bề trên” đã ăn của đút của quan nhiều rồi nên bây giờ “há miệng mắc quai”, không bao che sao được, quan mà ngã thì “bề trên” cũng té theo một chùm luôn. Tuy nhiên, quan vốn là người mưu mẹo, xảo quyệt và thâm độc, muốn làm chuyện phi pháp nhưng không tự mình làm mà chuyên “chỉ đạo từ xa”, xúi giục người khác làm. Vì những việc quan muốn làm không được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào của nước Vờ nên quan phải cố công dùng chiêu bài “bầy đàn” để lấy số đông đè số ít. Mục đích của quan là nếu có chuyện gì xảy ra, “bề trên” không bao che khỏa lấp được thì quan đổ thừa cho cái bia “tập thể” và người được phân công đứng cầm cái bia “tập thể” ấy chịu trận thay mình, còn bản thân quan thì vô sự với câu thần chú “do cấp dưới đề nghị, bổn quan thiếu kiểm tra, sâu sát”, bất quá quan chỉ bị “nghiêm khắc rút kinh nghiệm” là cùng, còn bọn “làm bia đỡ đạn” kia thì lãnh đủ, tha hồ “giơ đầu chịu báng”. Tức quan cố tình đem “bầy đàn” ra làm tấm bia “đỡ đạn” cho quan nếu đối phương phản công bắn lại, quan cứ núp kỹ sau “tấm bia bầy đàn” ấy là yên chí mình bình an, vô sự.

Đại Ngu Tiên sinh bàn rằng:

Người nước Vờ thường dùng chữ “Luật rừng” để chỉ những hành vi ngang ngược của quan chức nước Vờ, những người đáng lẽ phải gương mẫu tuân thủ pháp luật hơn bọn thảo dân thì lại lộng hành, ỷ quyền ỷ thế, kéo bè kết cánh, tự cho mình cái quyền ngồi trên pháp luật, chà đạp lên pháp luật nước Vờ một cách công khai. Nhưng xét trong tình hình hiện nay, dùng từ “Luật rừng” là không ổn, rừng nước Vờ luôn luôn hiền hòa, trong sạch, là nguồn sống của người lương thiện, bảo vệ chở che cho dân chúng mà không dùng thủ đoạn ấu xa ám hại ai. Vì vậy, cái thứ lệnh miệng, tự mình đặt ra quy định, muốn cho ai có tội là có tội, muốn cho ai có công là có công, được quyết định bởi tính chất “bầy đàn” của một ban, một bệ, một phủ nào đó, mà không hề nằm trong hệ thống văn bản pháp luật nước Vờ; hiện tượng này được gọi là “Luật bầy đàn”, chớ không được quyền gọi bằng từ “Luật rừng”, gọi như vậy là xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của rừng.

Thủ đoạn của vị quan ở trên thật quá cao siêu, thâm hiểm và tàn độc; không những cao siêu, thâm hiểm và tàn độc với đối phương mà còn cao siêu, thâm hiểm và tàn độc với chính những kẻ trong “bầy đàn” của mình, coi họ là một thứ công cụ phục vụ cho quan, những con rối trong tay quan giật dây điều khiển mà thôi.

Phàm con người ta sống ở đời có tranh doanh đoạt lợi thật nhiều, khi nhắm mắt xuôi tay cũng không đem theo được chút tài sản gì, chỉ còn cái tiếng tốt (hoặc xấu) để lại cho đời sau. Vì vậy, sống sau cho không phải hỗ thẹn với lương tâm, không hỗ thẹn với đất trời mới là điều quan trọng. Có người mất rồi mà con cháu hãnh diện vì mình, cũng có người con cháu không dám nhắc đến tên, lỡ ai tình cờ biết được họ là con cháu người đó thì xấu hổ đến mức muốn đất nứt ra để chui xuống cho đỡ xấu.

Nghĩ thương cho những người trung thực, thẳng thắn, ruột để ngoài da… bị kẻ xấu xa lợi dụng để làm bia đỡ đạn mà vô tình không biết, để cuối cùng “Bạng duật phân tranh, ngư ông đắc lợi” (Ngao cò tranh nhau, ông chài thu lợi), “thầy chùa ăn thầy pháp chịu”. Nghe lời quan nói, ai không hiểu tường tận bản chất của quan cũng đều khâm phục, đinh ninh rằng quan đạo đức đầy mình; có ngờ đâu bị quan đến nơi này nơi nọ rêu rao là ngu, không biết làm việc. Chẳng biết ý đồ quan định hạ uy tín để đưa tên “tay chân cẳng” nào lên thay thế để “bầy đàn tín cẩn” của quan thêm phần nhung nhúc???

Nghĩ vừa đáng thương vừa đáng khinh những kẻ biết rõ mình chính là “cái bia” của quan trên, để dành “đỡ đạn” cho quan trên nhưng vẫn cúc cung tận tụy phục vụ ý đồ của quan mà không biết xấu hổ, mong được hưởng xái chút bỗng lộc, cơm thừa canh cặn của bề trên, lại còn dương dương tự đắc vênh mặt thét lác ầm ĩ ra chiều oai vệ với thiên hạ, thật xứng với mấy chữ: “Đệ nhất thiên hạ mặt dày”.

“Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”

Tạ Phong Tần

Chuyên mục:Cổ học tinh ma
  1. Không có bình luận
  1. No trackbacks yet.

Bình luận về bài viết này