Trang chủ > Tản mạn > NGÔI SAO XANH CỦA TÔI

NGÔI SAO XANH CỦA TÔI

Bài đã đăng Tuần báo Trẻ (Texas, USA)

Ngày nay, có được bao nhiêu đứa trẻ đến mùa Trung thu lại tự mình làm lấy lồng đèn? Chỉ cần cha mẹ có tiền là có đủ loại kiểu dáng lồng đèn, từ sản xuất trong nước đến những loại nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều nhất là lồng đèn Trung Quốc chạy bằng pin, chói chang sắc đỏ và kêu ầm ĩ đến điếc cả tai. Đường phố ánh điện chói chang át cả ánh trăng rằm, át cả ánh sáng nhỏ bé từ những chiếc lồng đèn, tiếng xe cộ thì luôn ầm ĩ nên có lẽ lồng đèn Trung thu phải kêu to để gây sự chú ý: “Xem đây! Xem đây! Đây là lồng đèn Trung thu chớ hổng phải xe!”. Khi kinh tế xã hội phát triển nhưng các giá trị nhân văn không phát triển đồng bộ theo thì các giá trị truyền thống có vẻ như ngày càng mai một.

web_psvn_694.jpg

Bà ngoại tôi kể rằng, năm tôi ba tuổi, tức là vừa biết nói sỏi một chút, thì tôi đã biết “đọc sách”. Lúc đó, mẹ tôi phải nuôi em bé, tôi được gởi cho ngoại nuôi. Ngày nào cũng vậy, sau bữa cơm trưa, ngoại kêu tôi lên giường nằm, ngoại lấy cuốn sách học vần lớp 1 (tất nhiên là của Mỹ – Ngụy “sản xuất”) ra đọc những câu, bài học trong đó và chỉ hình cho tôi coi để dỗ tôi ngủ. Vài lần như vậy, tôi bắt đầu “tự đọc”. Ăn cơm xong, không cần ngoại kêu, tôi lấy cuốn sách leo lên giường nằm rồi mở ra từng trang đọc y chang không sai một chữ. Sách này có đặc điểm là rất nhiều hình vẽ, dưới một hình vẽ nhỏ bao giờ cũng có một câu chú thích, dưới hình vẽ lớn có một câu chuyện ngắn từ 50 đến 100 chữ trở lại.

Hàng xóm đến chơi ai thấy cũng ngạc nhiên. Có người lật đại ra một trang, chỉ vào bảo tôi đọc, tôi liền đọc dòng chữ ngay cái hình vẽ họ chỉ. Dĩ nhiên là tôi đọc rất đúng. Người ta ngạc nhiên vô cùng, cả xóm “đồn” rằng nhà đó có đứa bé mới 3 tuổi đã biết đọc sách. Trong nhà tôi thì ai cũng biết rằng tôi đọc được như vậy là nhờ tôi nhìn vào hình vẽ và nhớ những câu bà ngoại đã từng đọc, hình A thì đọc câu A, hình B thì đọc câu B…, vậy thôi. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ không sai chữ nào những bài học trong sách ấy. Tuổi thơ của tôi gắn liền với “sách giáo dục của Mỹ – Ngụy” và cuộc sống lao động nông thôn miền Nam.

Người ta thường nói khỉ giỏi nhất là bắt chước hành động người, còn tôi lúc nhỏ người ta nói rằng tôi bắt chước giỏi hơn khỉ. Sau ngày 30/4/1975, tôi mới 7 tuổi và mới được “hấp thụ nền giáo dục Mỹ – Ngụy” chưa được một năm (số là tôi được cho đi học trước tuổi), nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để tôi trở thành đứa bé suốt ngày cặm cụi “phát minh sáng chế” đủ thứ đồ chơi theo… sách dạy.

“Giải phóng” rồi, không đủ quần áo để mặc, cơm mỗi ngày ăn không đủ no, không có xà bông để giặt đồ, không có đủ xà bông để tắm nên người ngợm, tay chân đầy ghẻ chóc, tập vở đi học là những quyển tập học sinh giấy vàng khè không bìa của hợp tác xã bán (đem về lấy kim chỉ may thêm cái bìa)…. Cõ lẽ sống trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ mà người ta phải phát huy sáng tạo tối đa? Chưa đầy 10 tuổi tôi đã tự mình vá quần áo, đóng bìa tập vở, tự làm đồ chơi để chơi.

Cứ trước Trung thu khoảng nửa tháng là tôi đã tìm kiếm các thứ vụn vặt có trong nhà để làm lồng đèn. Ở quê thời đó, đẹp nhất, con nít mê nhất là cái lồng đèn ngôi sao dán giấy kiếng bóng, nhưng ít khi có lắm vì phải tốn tiền mua cây trúc vót làm khung, giấy kiếng bóng, giấy màu thủ công, hồ dán, dây kẽm và phải có 2 cái kềm, cái mác vót tre. Mà tôi thì không có tiền lẫn những thứ đó, nên chỉ biết nhìn đứa khác cầm lồng đèn ngôi sao đi chơi mà thèm thuồng.

Vậy là tôi lụi cụi lục kiếm tập vở cũ, gỡ bỏ chỉ may bìa, tách rời từng tờ giấy ra. Màu bột từng ống nhỏ bằng ngón tay và giấy dương xanh nhuộm vải ở chợ bán rất rẻ. Mua vài ống màu, vài tờ dương về pha nước trong thau, mỗi màu là một thau, bỏ tất cả giấy tập đã vào ngâm cho nó thấm màu, sáng hôm sau vớt ra lấy kẹp quần áo kẹp phơi trên dây cho khô. Vậy là tôi đã có giấy màu để xếp, dán (bằng cơm nguội) đủ loại lồng đèn vuông, tròn, trái bí, nón lá… đủ kiểu để đến đêm Trung thu gắn cái đèn cầy nhỏ vào đó xách đi chơi. Ban ngày, những cái lồng đèn xếp này nhìn cũng đẹp lắm, nhưng tôi không thích chúng mấy bởi chúng được xếp bằng loại giấy ánh sáng khó xuyên qua, thắp đèn cầy vào đèn không sáng như đèn giấy bóng mà phát ra thứ ánh sáng mờ đục.

web_psvn_694b.jpg

Cũng có lần, cha tôi dùng con dao rất bén (được làm bằng một lưỡi cưa sắt nhỏ đã gãy) cắt nhiều đường thẳng đứng theo chiều dọc cái lon sữa Ghi-gô rồi nhấn cho nó lún xuống một chút, thành cái đèn lồng có nhiều đường dợn sóng chung quanh rất là đẹp. Đốt đèn cầy bên trong tỏa sáng nhiều chớ không bị tối như đèn xếp bằng giấy. Cha tôi cũng lấy cái vỏ lon sữa bò cắt như vậy, gắn thêm một cái lon phía dưới và một cây trúc nhỏ dài chừng 1 mét ở trên làm cán, vậy là thành chiếc xe đẩy có lồng đèn xoay tròn bên trên. Mỗi lần đẩy đi, cái lon bên trên quay vòng tròn, ánh sáng cũng quay chớp chớp theo như đèn quay trong rạp hát và cái lon kêu ton ton ton nghe rất vui tai. Tuy nhiên, những cái lồng đèn vỏ lon này có nhược điểm là bị hở nhiều, dễ bị gió thổi tắt và ánh sáng không có màu.

Niềm mơ ước của tôi vẫn là một ngôi sao màu xanh lá cây trong vắt. Có lần, tôi xin hàng xóm được một đoạn cây trúc cần câu cũ dài hơn một mét, mượn được cây mác, tôi hì hụi chẻ trúc, bỏ ruột lấy phần vỏ dai bên ngoài, vót thành 10 thanh nẹp mỏng hai đầu thuôn  nhỏ, mỗi thanh dài chừng 2 gang tay. Về nhà “chôm” 5 chiếc đũa tre chặt thành 5 đoạn ngắn chừng hơn 1 tấc làm cây chống bên trong lồng đèn, tháo lấy cái vành tròn ngoài cùng cái nón lá cũ nữa, vậy là tôi đã có bộ khung cho ngôi sao mơ ước của mình. Cha tôi là thợ sửa điện, radio, ti vi nên trong nhà có rất nhiều dây điện vụn cũ. Tôi lục lọi mớ dây điện cũ của cha tôi, dùng kềm tuốt lấy lõi đồng thay cho dây kẽm buộc. Cái này không dùng dây thun cột được, cột dây thun khi đốt đèn lên gặp nóng dây thun sẽ bung đứt liền. (Sau này, tôi đọc báo mạng, thấy bài viết có “cháu ngoan Bác Hồ” dạy làm lồng đèn ngôi sao mà cột khung tre bằng dây thun, tôi mắc cười quá trời, cháu này chắc chưa bao giờ biết làm lồng đèn và chưa biết chơi lồng đèn ngôi sao nên mới “dạy” như thế). Tôi lấy đoạn dây đồng hơi lớn và cứng quấn chặt quanh chiếc đũa rồi rút chiếc đũa ra, vậy là tôi có cái lò xo gắn vào chính giữa đoạn cây chống phía dưới đáy lồng đèn làm chổ cắm đèn cầy. Cột chặt mấy thanh trúc mỏng vào nhau thành hình hai ngôi sao năm cánh, cột góc của hai ngôi sao chặt vào nhau. Cột cái vành tròn nón lá vào đầu năm cánh sao, dùng năm đoạn đũa tre chống bên trong (chổ giao nhau của 2 thanh trúc) cho đèn phình ra chính giữa là tôi đã có bộ khung lồng đèn ngon lành.

web_psvn_694a.jpgCái khó nhất bây giờ là kiếm giấy kiếng, giấy màu và hồ dán. Giấy kiếng không dán bằng cơm nguội được, giấy kiếng mỏng manh, cơm nguội khô, dán nó không dính mà còn bị rách hết. Tốt nhất là dán bằng hồ (bột pha) hoặc bún tươi cũng tạm được. Hồi đó, học trò làm thủ công mà xin được vài cọng bún dán giấy thì mừng ơi là mừng. Cuối cùng, tôi cũng kỳ kèo được mẹ tôi cho tiền mua một tờ giấy kiếng màu xanh lá cây thiệt bự đủ để dán hai mặt lồng đèn và một hủ hồ khi tôi “trình diện” cho mẹ tôi coi cái khung ngôi sao đã hoàn thành.

Tôi dán giấy kiếng vào khung tre, đợi giấy kiếng khô thì thoa một lớp hồ lên mặt giấy kiếng theo khung tre thành một đường hồ nhỏ bằng ngón tay út, lấy bông gòn trắng xé nhỏ ra ịn lên, đợi nó khô thì lấy kéo xén “râu ria” bỏ. Còn cái khung tròn tôi cắt giấy kiếng dư và giấy màu thành tua dài, quấn và cột chặt xung quanh cái vòng tròn cho những tua giấy bung tua tủa ra xung quanh. Vậy là tôi có cái lồng đèn ngôi sao màu xanh lá cây, điểm thêm đường viền ngôi sao bằng bông trắng muốt như tuyết, nổi bật lên rực rỡ.

Đêm Trung thu, tôi hí hửng đốt đèn cầy vào lồng đèn rồi xách ngôi sao xanh tỏa ánh sáng ngời, mát dịu đi chơi với trẻ con hàng xóm. Lồng đèn ngôi sao dán giấy kiếng thật sáng mà lại kín đáo, không bị gió thổi làm tắt đèn cầy. Lồng đèn tự làm, nên “mỗi người một vẻ”. Gặp nhau thì chỉ trỏ: “A ha! Ngôi sao của nó ăn cái gì mập lù”, “Ngôi sao của mày bị bỏ đói ốm nhom”, “Ngôi sao của mày dán giấy đỏ (hoặc giấy xanh dương đậm) nhìn tối hù”, “Ngôi sao nó có râu”… rồi cùng cười như nắc nẻ.

Bây giờ, hiếm thấy những cái đèn lồng “độc bản” như ngôi sao xanh của tôi ngày trước. Ở khu phố bán lồng đèn đường Lương Nhữ Học (quận 5, Sài Gòn), tôi vẫn thấy người ta bán lồng đèn ngôi sao, nhưng sao thấy nó đơn điệu, buồn tẻ, xấu xí, ốm nhom và vô hồn làm sao. Tôi đã từng mua một ngôi sao “sản xuất hàng loạt” như thế về chơi và phát hiện ra rằng sở dĩ những ngôi sao “hàng loạt” này thiếu sức sống là vì người ta không dùng cái vỏ trúc (hoặc tre) tươi làm cái khung, mà dùng vật liệu phế thải là ruột tre chẻ nan nên cái khung nó thiếu độ dai, dễ gãy. Vì vậy, người ta không dám độn cây chống cho cao lên (độn cao là gãy liền) mà độn bằng đoạn tre ngắn ngủn 5-6 phân, thành thử nhìn thấy năm cánh sao nó dài xọc, nhọn hoắt, ốm nhom, xẹp lép. Trang trí thì đơn điệu, giấy kiếng dán thì họ tận dụng đủ màu giấy đắp lên, thậm chí có ngôi sao mỗi cánh là một màu, cái ô ngũ giác chính giữa là một màu khác, nhìn dị hợm hết chổ nói.

Ngày nay, có được bao nhiêu đứa trẻ đến mùa Trung thu lại tự mình làm lấy lồng đèn? Chỉ cần cha mẹ có tiền là có đủ loại kiểu dáng lồng đèn, từ sản xuất trong nước đến những loại nhập khẩu từ nước ngoài, nhiều nhất là lồng đèn Trung Quốc chạy bằng pin, chói chang sắc đỏ và kêu ầm ĩ đến điếc cả tai. Đường phố ánh điện chói chang át cả ánh trăng rằm, át cả ánh sáng nhỏ bé từ những chiếc lồng đèn, tiếng xe cộ thì luôn ầm ĩ nên có lẽ lồng đèn Trung thu phải kêu to để gây sự chú ý: “Xem đây! Xem đây! Đây là lồng đèn Trung thu chớ hổng phải xe!”. Khi kinh tế xã hội phát triển nhưng các giá trị nhân văn không phát triển đồng bộ theo thì các giá trị truyền thống có vẻ như ngày càng mai một.

Tạ Phong Tần

Chuyên mục:Tản mạn
  1. Không có bình luận
  1. 14/10/2014 lúc 10:12:chiều
  2. 15/10/2014 lúc 8:57:sáng

Bình luận về bài viết này